Kết quả nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống đậu rồng triển vọng từ Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia
Đậu rồng (Psophocarpus tetragonolobus DC) thuộc họ đậu Febaceae, họ phụ Papilionaceae có nguồn gốc ở Đông Nam Á và Papua New Guinea. Cây đậu rồng được trồng tập trung ở các quốc gia nóng ẩm cận xích đạo như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philipine, Ấn Độ, Bangladesh, Myanma và Sri Lanka. Đậu rồng cũng được coi là cây “siêu thị” bởi nó mang những đặc trưng về giá trị sử dụng của nhiều loại cây thực phẩm khác như đậu Hà Lan, đậu đũa, rau bina, đậu tương, khoai tây. Quả non đậu rồng chứa nhiều khoáng chất, vitamin và các axit amin thiết yếu, đây là bộ phận được sử dụng chủ yếu của cây đậu rồng. Trong 100g quả non đậu rồng chứa: 90g nước; năng lượng 27 kcal; 2,6g protein; chất béo 0.5g; carbon hydrat 4,9g; chất xơ 1,9g; Ca 64 mg; Mg 34 mg; P 37mg; Fe 0,8 mg; VitaminA 332 IU; Thiamin 0,21mg; riboflavin 0,1 mg; Niacin 0,8 mg, ascorbic acid 15mg Đậu rồng có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, được xem là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho người nghèo ở các nước Á – Phi. Hầu hết các bộ phận của cây đều có thể sử dụng được: Lá, hoa, quả, hạt, củ. Vì vậy trên thế giới, ở một số nước như: Papua New Guinea, Sri Lanka, Thái Lan, Ghana…người dân sử dụng quả non của cây đậu rồng để ăn trực tiếp hoặc nấu chín. Mặc dù sử dụng quả non là chủ yếu nhưng theo tiến sĩ Sahu hạt đậu rồng có hàm lượng chất béo và sodium thấp sử dụng làm nguyên liệu chế biến bột cho người già và trẻ nhỏ là nguồn cung cấp protein, các vitamin và khoáng chất, amino acid. Ở nước ta đậu rồng, còn được gọi là đậu khế, thường được trồng chủ yếu ở các tỉnh ở trung du miền núi và cao nguyên. Quả non và hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao. Người dân trồng đậu rồng quanh nhà hoặc trên nương rẫy vừa để lấy quả non và hạt vừa sử dụng, thân lá làm thức ăn cho gia súc, vừa có tác dụng che phủ đất, làm tốt đất, và chống xói mòn. Cây đậu rồng có ưu điểm là loại cây chịu hạn, không bị sâu bệnh, chịu rét tốt thời kỳ ra hoa đậu quả, kết hạt và có tính bền vững trong sản xuất. Mặt khác, nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng cao nên cây đậu rồng có thể khai thác quả non làm rau an toàn cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nguồn gen đậu đỗ địa phương nói chung và nguồn gen đậu rồng nói riêng ít được quan tâm và đang có nguy cơ xói mòn cao trong đó có việc thay thế bằng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, chính vì vậy việc bảo tồn nguồn gen đậu rồng bản địa là vô cùng cấp thiết, đặc biệt việc bảo tồn thông qua khai thác sử dụng sẽ ngày càng có ý nghĩa hơn trong sản xuất. Trong những năm gần đây, Trung tâm Tài nguyên thực vật – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã điều tra thu thập và tạo lập được tập đoàn đậu rồng bao gồm 101 giống từ nhiều vùng sinh thái địa lý khác nhau. Trên cơ sở đánh giá tập đoàn giai đoạn 2001-2005, 80 giống đậu rồng ưu tú đã được tuyển chọn tiếp tục tiến hành nghiên cứu nhằm xác định mức độ đa dạng trong tập đoàn đồng thời giới thiệu các nguồn gen có tiềm năng để mở rộng sản xuất. Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá tập đoàn đã tuyển chọn được 10 giống đậu rồng triển vọng, thích ứng với điều kiện vùng Trung du, miền núi, là cơ sở vật chất quan trọng cho công tác tuyển chọn giống phục vụ sản xuất. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Lê Khả Tường, Nguyễn Hữu Hải |