Việt Nam có sự phong phú và đa dạng về tài nguyên rau bản địa, bao gồm rau truyền thống, rau rừng và rau hoang dại. Trong số hơn 800 loài cây trồng đang được sử dụng, có khoảng 94 loài rau, gia vị đang được sản xuất theo mùa vụ và hàng trăm loài rau hoang dại được các cộng đồng dân cư ở vùng sâu vùng xa sử dụng làm thức ăn. Ở Việt Nam việc canh tác các loài rau truyền thống, khai thác rau hoang dại chủ yếu do các hộ nông dân nhỏ lẻ thực hiện và chưa được định hướng thương mại trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loài rau bản địa đã và đang trở thành các đặc sản và có triển vọng thương mại thu lợi nhuận cao, như rau Sắng (Melientha suavis), rau Bò Khai (Erythropalum scandens, rau cải Mèo (Brassica juncera ), dưa Mông ( Cucumis sativus L.)… Rau bản địa giàu dinh dưỡng, dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện sinh thái khắc nghiệt. Tại các vùng nông thôn, đặc biệt miền núi, các địa phương hay bị bão lụt ở miền Trung, các giống rau truyền thống và rau hoang dại có giá trị không chỉ làm thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày mà còn là cây dược liệu quí bảo vệ sức khỏe, cung cấp chủ động, trực tiếp cho các địa phương kinh tế xã hội còn khó khăn. Mặc dù có giá trị như vậy nhưng tính đa dạng và độ phong phú của các loài rau này đang bị giảm sút bởi các tác động của môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi khí hậu. Vì vậy nhu cầu bảo tồn và khai thác phát triển rau bản địa đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Cây Bướm Trắng Ba Vì là một dạng hoang dại của loài Bauhinia viridescens Desv., còn có tên là Móng bò xanh, Móng bò hoa xanh, nguồn gốc châu Á, trong đó có Việt Nam, phân bố ở Ba Vì, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An tới Quảng Trị, Ninh Thuận. Ở Việt Nam, các nghiên cứu thử nghiệm bước đầu và kết quả thương mại rau Bướm trắng của Công ty CP Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Ba Vì (BAVIECO) cho thấy, lá và ngọn non có thể làm rau đặc sản, lá trưởng thành làm thức ăn chăn nuôi. Bột lá rau Bướm trắng dùng để nấu bột, nấu cháo cho trẻ nhỏ, người già bổ sung thành phần rau rất tốt. Tuy nhiên trong hầu hết các công trình công bố ở nước ta, chưa thấy đề cập đến đặc điểm nông sinh học của cây Bauhinia viridescens Desv.
Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá đặc điểm nông sinh học của cây Bướm trắng theo hướng sử dụng làm rau đặc sản tại Ba Vì, Hà Nội.
Chúng tôi đã xây dựng được bản mô tả giống cho cây Bướm Trắng trồng tại Ba Vì với 59 tính trạng hình thái nông học, năng suất, chất lượng ngọn lá và khả năng chống chịu sâu bệnh. Cây Bướm trắng là cây rụng lá mùa đông, có khả năng bật chồi rất mạnh, cho ngọn lá non có giá trị dinh dưỡng và ẩm thực. Năng suất bình quân ngọn lá đạt 1,55kg/cây/năm ở cây 3-4 năm tuổi.
Xem báo cáo chi tiết tại đây |