Kết quả nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất giống khoai mỡ trụi trắng tại Hữu Lũng, Lạng Sơn
Khoai mỡ (Dioscorea alata L.) vừa là cây lương thực, vừa là cây thực phẩm. Củ khoai mỡ có giá trị dinh dưỡng cao, có thể dùng để nấu thành nhiều món: luộc ăn, nấu độn với cơm, thổi xôi, nấu các món canh, nấu cari, hầm với thịt, nấu chè…và làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sản xuất tinh bột, cồn và rượu. Thế giới hàng năm sản xuất khoảng 51,8 triệu tấn các loại khoai mỡ. Hiện nay, khoai mỡ vẫn là nguồn lương thực cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 300 triệu người ở các nước có thu nhập thấp của vùng nhiệt đới châu Phi. Tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ý… khoai mỡ là cây thực phẩm sạch có nhu cầu tiêu thụ cao. Cây khoai mỡ cũng là cây lương thực quan trọng ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Indonesia, Philippines và các đảo Nam Thái Bình Dương tới Guinea. Ở Việt Nam, khoai mỡ được trồng phổ biến tại các vùng trung du, miền núi, được sử dụng như cây lương thực, thực phẩm đặc sản của từng vùng, miền. Tại Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn, khoai mỡ là cây truyền thống, có giá trị sử dụng cao, nhưng vẫn chỉ là cây trồng phụ trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có thời gian diện tích trồng khoai mỡ tại Hữu Lũng đã lên tới hơn 100ha, nhưng từ năm 2006 đến nay diện tích trồng đã giảm mạnh vì các giống địa phương đã bị giảm năng suất do một số nguyên nhân chính như giống không được quan tâm phục tráng; kỹ thuật canh tác chủ yếu theo kinh nghiệm, trong khi điều kiện môi trường đã thay đổi; vật liệu che phủ truyền thống (cây ràng ràng) cần thiết cho sản xuất khoai mỡ khan hiếm và thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp, không ổn định. Năm 2009, trên địa bàn huyện diện tích trồng khoai mỡ chỉ còn tập trung tại xã Minh Sơn nhưng diện tích chỉ khoảng 7-10ha và chủ yếu chỉ còn trồng giống khoai mỡ Trụi trắng. Giống khoai mỡ Trụi trắng có một số ưu điểm nổi trội so với các giống địa phương khác, có dạng củ hình trụ ngắn, ít phân nhánh, bề mặt củ nhẵn và có ít rễ trên củ, thịt củ màu trắng, chất lượng tốt rất phù hợp cho ăn nấu và chế biến công nghiệp. Giống có tiềm năng năng suất cao, ổn định. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên thực vật năm 2010, năng suất củ của khoai mỡ Trụi trắng trước những năm 2006 rất cao, đạt trên 30 tấn/ha, hiện nay chỉ còn dưới 25 tấn/ha. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác (thời vụ, mật độ, liều lượng phân bón, làm giàn) trên giống khoai mỡ Trụi trắng tại huyện Hữu Lũng, nhằm mục đích góp phần nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân là rất cần thiết. Từ kết quả nghiên cứu, có thể kết luận: Để nâng cao năng suất củ của giống khoai mỡ Trụi trắng tại Hữu Lũng, Lạng Sơn, trong sản xuất nên áp dụng một số kỹ thuật: Trồng vào thời vụ từ 20/2- 05/03; Mật độ trồng phù hợp nhất là 4 khóm/m2; Lượng phân bón phù hợp cho 1ha là: phân chuồng 20 tấn + phân hóa học lượng 120N+110P2O5+ 110K2O. Trồng khoai mỡ phủ bằng rơm và có làm giàn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với không làm giàn từ 14,595 triệu đến 39,549 triệu đồng/ha. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Lê Văn Tú & CS |