Kết quả nghiên cứu khả năng chịu hạn của một số mẫu giống lúa tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia
Khô hạn là một trong những yếu tố hạn chế năng suất lớn nhất ở Việt Nam. Sử dụng giống lúa chịu hạn có khả năng ổn định năng suất và sản lượng là một giải pháp quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực ở nước ta. Trong đó việc nghiên cứu, đánh giá và cung cấp nguồn vật liệu cho các chương trình cải tiến giống lúa chịu hạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó 75 mẫu giống lúa từ ngân hàng gen cây trồng quốc gia đã được nghiên cứu, đánh giá khả năng chịu hạn theo phương pháp của IRRI. Bằng phương pháp xử lý dung dịch PEG 6000 trên 75 mẫu giống lúa ở giai đoạn mạ 3 lá trong nhà lưới tại Trung tâm tài nguyên thực vật đã phân lập được 4 nhóm có khả năng chống chịu khác nhau đối với sự khô hạn. Trong đó nhóm chịu hạn khá gồm 19 giống chịu hạn trong phạm vi 0,1-1,0 điểm, nhóm chịu hạn trung bình gồm 17 giống bao gồm cả đối chứng chịu hạn trong phạm vi 1,1-3,0 điểm, nhóm chịu hạn kém gồm 2 giống chịu hạn trong phạm vi 3,1-5,0 điểm, nhóm chịu hạn rất kém hoặc không chịu hạn gồm 37 giống chịu hạn trong phạm vi từ 5,1-9,0 điểm. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sự phục hồi đã xác định được 9/75 mẫu giống có khả năng phục hồi với 70-100 % số cây sau xử lý gây hạn. Kết quả đánh giá tổng hợp về khả năng phục hồi và khả năng chịu hạn bước đầu đã tuyển chọn được 8 giống chịu hạn gồm các mẫu giống mang SĐK: 3487, 3489, 3494, 3519, 7815, 14386, 12066 và 7811. Nguồn vật liệu này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu và cải tiến giống lúa chịu hạn tại Trung tâm tài nguyên thực vật cũng như các cơ quan nghiên cứu khác ở Việt Nam.
Xem bài báo chi tiết tại đây |
|
PGS.TS. Lê Khả Tường |