Nghiên cứu khả năng nhân giống cây bình vôi (Stephania sinica Diels.) từ hạt
Bình vôi là tên gọi dân dã chung của nhiều loài cây là dây leo có rễ củ thuộc chi Stephania, họ Tiết dê Menispermaceae. Trước đây, tên Bình vôi chỉ dùng cho một loài là Stephaniarotunda Lour. (Stephania glabra (Roxb.) Miers.), cùng với những tên khác là Củ một, Củ gà ấp, Dây mối trơn, Cà tòm, Cáy pầm (Tày), Co cáy khẩu (Thái), Tở lùng dòi (Dao), P”lồi (K”ho), Moon – seed (Anh). Củ Bình vôi có hình dáng bên ngoài với nhiều loại khác nhau: tròn, dài, lồi, lõm, không theo quy luật. Trọng lượng và kích thước của củ rất khác nhau từ 0,2 đến 10 kg, thậm chí có củ nặng tới 70 kg. Màu sắc phía trong củ Bình vôi thường gặp 3 loại: da cam, vàng chanh và trắng. Hàm lượng rotundin trong củ dao động trong khoảng khá rộng, tùy thuộc vào loài và tuổi củ.
Chi Bình vôi (Stephania) gồm nhiều loài cây thuốc quý có tác dụng an thần, chữa ho, sốt, lỵ, dạ dày, chữa mất ngủ. Hiện nay, các tài liệu mô tả về các đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của các loài Bình vôi rất hạn chế. Một số loài trong chi Bình vôi có số lượng cá thể đang bị suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên. Vì vậy, việc nghiên cứu về các phương pháp nhân giống hướng đến quy mô trồng nguyên liệu cho các loài Bình vôi là rất thiết thực. Vì những lý do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu khả năng nhân giống Bình vôi từ hạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy: nhiệt độ xử lý hạt, thành phần thể nền có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả nhân giống bằng hạt của cây Bình vôi, cụ thể: Nhiệt độ 40oC là nhiệt độ thích hợp cho việc ngâm hạt giống, thời gian ngâm khoảng 4 giờ; Hỗn hợp đất làm ruột bầu là 90% đất mặt + 10% phân chuồng hoai là phù hợp với việc làm bầu cây. Với hỗn hợp ruột bầu này, cây có tỷ lệ sống cao. Cây sau khi trồng phát triển tốt. Đây là những kết quả quan trọng trong công tác lựa chọn thể nền làm giá thể bầu, các kỹ thuật xử lý hạt giống cho việc nhân giống loài Stephania sinica bằng hạt. Xem bài báo chi tiết tại đây
|
|
ThS. Trần Văn Tiến, ThS. Lê Thị Loan & cs |