Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng điểm bảo tồn tại chỗ nguồn gen khoai mỡ trên đồng ruộng nông dân tại huyện Hữu lũng, Lạng Sơn
Hữu Lũng, một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn có nguồn gen khoai mỡ bản địa khá phong phú cả dạng trồng và hoang dại. Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa hình tạo nên sự đa dạng về loài thực vật nói chung và các loài, giống khoai mỡ nói riêng. Bộ giống khoai mỡ ở Hữu Lũng tương đối đa dạng là do sự đa dạng về đất đai. Đất rừng, đất đồi, đất vườn, đất ruộng cao, đất thấp, đất bãi… tạo ra bộ giống khoai mỡ thích hợp với từng chân đất.
Trước năm 2012, tại các điểm điều tra có 07 giống khoai mỡ thuộc hai loài chi Dioscorea. Hiện nay chỉ còn 03 giống khoai mỡ được trồng phổ biến là: Khoai mỡ trắng trụi, Khoai mỡ trắng lông và Khoai mỡ tím (đỏ). Một số giống như Khoai mỡ tím, Củ cọc rào, Khoai mài ít hộ trồng và diện tích nhỏ hoặc chỉ trồng vài hốc trong vườn để sử dụng trong gia đình. Theo IPGRI, một vùng được chọn làm điểm bảo tồn on farm cần đáp ứng bộ tiêu chí tối thiểu bao gồm: Phải có sự đa dạng phong phú nguồn gen mục tiêu được sản xuất qua thời gian dài; có qui mô quần thể và diện tích phù hợp; nguồn gen có giá trị sinh kế trong cộng đồng; có tính đặc thù, đặc sản và cộng đồng có nguyện vọng, cam kết lưu giữ và phát triển nguồn gen với sự hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, huyện Hữu Lũng có thể chọn làm vùng xây dựng mô hình bảo tồn on farm cây khoai mỡ vì đáp ứng được các tiêu chí như: địa phương vẫn đang duy trì nguồn giống địa phương và tập quán canh tác truyền thống, người dân có mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật để phục tráng giống địa phương; được tiếp nhận thêm những giống khoai mỡ tốt để tăng tính đa dạng và hiệu quả trong sản xuất. Để thực hiện được mô hình điểm bảo tồn on-farm nguồn gen khoai mỡ tại Hữu Lũng cần phải tăng cường năng lực cho nông dân trong vùng nghiên cứu thông qua các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất khoai mỡ, ruộng trình diễn đa dạng giống, hội chợ đa dạng, phương pháp quản lý đa dạng cây trồng. Các cơ quan nghiên cứu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương nhằm tăng cường hệ thống sản xuất giống của cộng đồng để đẩy mạnh hoạt động của mô hình và loại trừ các trở ngại. Xem bài báo chi tiết tại đây |
|
ThS. Vũ Linh Chi, PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ, PGS.TS. Lã Tuấn Nghĩa |