Đánh giá một số đặc tính nông sinh học liên quan đến khả năng chịu mặn của các giống lúa địa phương (Oryza Sativa L.)
Là một nước nằm ở cực Đông Nam bán đảo Đông Dương, với đường bờ biển dài 3.260 km (không kể các đảo), Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của khí hậu biển, đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp, trong đó có nền sản xuất lúa nước. Hiện nay, cùng với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu và sự gia tăng khai thác nước ngọt từ phía thượng nguồn đã gây ra hiện tượng thiếu nước ngọt và nước biển xâm lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa nước tại các vùng đồng bằng ven biển.
Trước tình hình thực tế này đòi hỏi phải tìm ra được các giống lúa có khả năng chịu mặn cũng như nghiên cứu các đặc tính nông sinh học liên quan đến tính chịu mặn sẽ góp phần canh tác lúa nước hiệu quả trên vùng đất bị nhiễm mặn. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả các giống lúa trong điều kiện sản xuất thực tế, tập trung khai thác nguồn tài nguyên di truyền địa phương chịu mặn đã trở thành cấp thiết để góp phần ổn định an ninh lương thực, đảm bảo thu nhập, phát triến kinh tế các vùng ven biển nhiễm mặn.
Thí nghiệm được bố trí trong 3 vụ trên vùng đất nhiễm mặn tại Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định, nhằm đánh giá đặc điểm nông sinh học của 4 giống lúa trong nguồn gen lúa chịu mặn bao gồm Cườm dạng 1 (SĐK6188), Chiêm rong (SĐK6191), Nếp Ốc (SĐK:6192), Nếp Nõn tre (SĐK6196) so với 3 giống lúa đối chứng bao gồm IR28 (mẫn cảm mặn – đối chứng 1), Khang dân 18 (đang trồng đại trà ở địa phương-đối chứng 2) và A69-1 (kháng mặn – đối chứng 3). Qua 3 vụ thí nghiệm cho thấy, sau cấy 7 ngày, ĐC1 có tỷ lệ cây chết cao (50% -70% ) và chết nhiều hơn nữa là ĐC2 (80% – 90%). Các giống lúa thí nghiệm có khả năng phục hồi sau cấy nhanh hơn nên ra lá và đẻ nhánh sớm hơn so với ĐC1 và ĐC2. Ở cả ba giai đoạn đẻ nhánh tối đa, trỗ và chín sáp nhìn chung chỉ số diện tích lá của các giống lúa thí nghiệm tương đương với ĐC3 và đều cao hơn cả ĐC1 và ĐC2. Đặc biệt, giống Nếp Ốc có chỉ số diện tích lá cao hơn ở mức ý nghĩa so với cả 3 giống ĐC. Ở giai đoạn trỗ, chỉ số SPAD (một chỉ tiêu tương quan thuận với hàm lượng diệp lục) của hai giống Cườm dạng 1 và Chiêm rong đều cao hơn so với cả 3 giống đối chứng. Giai đoạn chín sáp, Cườm dạng 1 có chỉ số SPAD lớn hơn ĐC1 và ĐC2. Ở cả 3 giai đoạn, các giống lúa thí nghiệm đều có lượng chất khô tích lũy được lớn hơn ở mức ý nghĩa so với 3 giống ĐC. Trong cả 3 vụ, năng suất thực thu của các giống lúa thí nghiệm đều cao hơn ĐC1 và ĐC2. Trong đó Cườm dạng 1 và Nếp Ốc cho năng suất cao hơn cả 3 ĐC. Như vậy, có thể sử dụng các giống địa phương để phát triển sản xuất tại các vùng đất nhiễm mặn tại Nam Định.
Dương Thị Hồng Mai & cs