Kết quả bước đầu đánh giá một số mẫu giống khoai môn có triển vọng tại Đà Bắc, Hòa Bình

Khoai môn (Colocasia esculenta var. esculenta  (L.) Schott) được sử dụng làm lương thực và thực phẩm phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước Châu Á và Châu Đại Dương. Ở Việt Nam, khoai môn là một trong những loại cây trồng được thuần hoá sớm, trước cả cây lúa nước, cách đây khoảng 10.000 – 15.000 năm. Từ xa xưa, khoai môn vừa là cây lương thực, vừa là cây thực phẩm, gắn bó mật thiết với đời sống của người nông dân. Cho tới nay khoai môn vẫn được trồng hầu hết ở các vùng sinh thái, là đặc sản quý của một số địa phương và là cây trồng đem lại nguồn thu nhập cho nông dân ở một số địa phương tại các tỉnh như Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái và Hòa Bình. Tuy nhiên, nghiên cứu về cây khoai môn ở Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung về công tác thu thập, bảo tồn tập đoàn nguồn gen và phục tráng giống, thiếu nghiên cứu đánh giá mẫu giống triển vọng tại một số vùng có tiềm năng phát triển sản xuất khoai môn.

Xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc là nơi có diện tích trồng khoai môn ổn định chiếm 6,7% diện tích trồng trọt, với 1 số giống địa phương truyền thống trong đó có giống khoai môn thơm đặc sản. Tuy nhiên do trồng các giống địa phương nhân giống vô tính nên đến nay các giống đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Nhằm góp phần, làm đa dạng giống khoai môn trên địa bàn nghiên cứu, thay thế một phần các giống đã thoái hóa, đề tài này được thực hiện nhằm mục đích xác định các mẫu giống  khoai môn có tiềm năng phát triển cho huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từ hai mươi mẫu giống khoai môn tuyển chọn từ tập đoàn khoai môn quốc gia.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy:

Từ hai mươi mẫu giống khoai môn tuyển chọn từ  tập đoàn 200 mẫu giống khoai môn qua đánh giá về năng suất, khả năng chống chịu bệnh và chất lượng ăn luộc đã tuyển chọn được 8 mẫu giống có triển vọng có số ĐK: 11647, 11661, 11665, 10021, 10144, 11584, 11630, T.9498.

Các mẫu giống này đều có năng suất của đạt từ  21,7 tấn/ ha đến 24,7 tấn/ ha. Các mẫu giống đều có tính chống chịu sâu bệnh tốt và có chất lượng ăn luộc ngon.

Xem báo cáo chi tiết tại đây

Dương Thị Hạnh & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.