Trong thời gian qua, hoạt động bảo tồn tài nguyên thực vật luôn được tăng cường về mọi mặt và đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên là một trong năm nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu và có nguy cơ xói mòn tài nguyên thực vật cao bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đối với nước ta công tác bảo tồn tài nguyên thực vật trong thời gian tới ngoài những cơ hội hiện có còn đứng trước rất nhiều thách thức.
* Cơ hội
– Bảo tồn nguồn gen thực vật đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của toàn nhân loại: đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi phương diện nhất là về trao đổi nguồn gen, tăng cường năng lực, học tập kinh nghiệm và chia sẻ thông tin về những vấn đề liên quan;
– Việc phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học và các kỹ thuật phân tử: đã mở ra các hướng và phương pháp mới trong nghiên cứu, đánh giá và bảo tồn, sử dụng nguồn gen thực vật;
– Việc thực hiện chiến lược nông nghiệp và lương thực và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia: mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc tăng cường đầu tư cho bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV);
– Sự quan tâm đầu tư của nhà nước cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững TNDTTV.
* Thách thức
– Ô nhiễm và suy thoái môi trường: Môi trường không khí, đất và nước trên phạm vi toàn cầu đang có những biến động bất lợi dẫn đến xói mòn đa dạng sinh học nói chung và TNDTTV nói riêng;
– Việc thâm canh và chuyên canh trong nông nghiệp: Điều này dẫn đến việc tập trung phát triển nhanh và ồ ạt một số cây trồng có giá trị thương mại, làm cho các giống và loài cây trồng bản địa, truyền thống bị lãng quên, không được quan tâm bảo tồn và sử dụng đúng mức. Ngày càng nhiều số lượng các giống và loài cây có giá trị nông nghiệp và lương thực bị đe dọa và cần được bảo tồn trong khi nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế;
– Tốc độ đô thị hóa của các vùng phụ cận cao: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, cấp thoát nước…) thay đổi rất nhiều, đặc biệt hệ thống tưới tiêu phục vụ canh tác nông nghiệp bị biến dạng một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp của toàn vùng nói chung và gây khó khăn trong việc chủ động nguồn nước tưới phục vụ công tác nghiên cứu;
– Các công trình xây dựng (kho làm mẫu, nhà lưới…) cũng như đồng ruộng thí nghiệm mặc dù đã có cải tạo nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu;
– Thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị: Thiết bị thí nghiệm phục vụ nghiên cứu vẫn chưa đủ đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và những tiến bộ khoa học mới vào việc bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen;
– Nguồn nhân lực: Với tính chất công việc của công tác bảo tồn tài nguyên thực vật đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm và tận tuỵ với công việc. Tuy nhiên, số cán bộ có kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tồn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại.
Bảo tồn tài nguyên thực vật là nhiệm vụ có tính đặc thù cao, với những cơ hội và thách thức hiện tại thì cần sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của các cấp quản lý nhà nước; việc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp và đặc biệt là sự nhiệt tình, cống hiến của những cán bộ làm công tác bảo tồn để góp phần bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững TNDTTV phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp.
|