Kết qủa nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện trồng và mật độ đến khả năng sinh trưởng và phát triển củ nưa có nguồn gốc tại tỉnh Hòa Bình

       Củ Nưa loài Krausei được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là ở châu Á bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản. Diện tích trồng củ Nưa trên toàn cầu hiện nay chưa lớn với tổng sản lượng chưa cao trong tổng sản lượng cây có củ. Năng suất trung bình của cây Nưa cũng chưa cao, chỉ khoảng 8 tấn tới 9 tấn/ha , phụ thuộc vào điều kiện trồng và loài Nưa. Trong những cây lương thực chính thì củ Nưa chưa được xếp loại như các cây lúa mỳ, gạo, khoai lang, sắn và ngô.

       Tuy nhiên củ Nưa được xếp vào nhóm thực phẩm cao cấp. Hàm lượng dinh dưỡng trong củ Nưa rất phong phú, đa dạng, đặc biệt có hoạt chất chính là glucomannan; ngoài ra còn có tinh bột, protein, gluxit, …. Đây là các yếu tố dinh dưỡng cần thiết có thể sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và công nghiệp dược.

       Hoạt chất glucomannan có độ tinh khiết cao có trong củ đã được sử dụng làm nguyên liệu trong công nghiệp dược, ví dụ sản xuất thực phẩm chức năng chống béo, giảm cân hay thậm chí hỗ trợ trị tiểu đường. Củ Nưa với hoạt chất glucomannan được sản xuất ra, được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc và gần đây ở rất nhiều nước Đông Nam Á cũng như nước phát triển (Úc, New Zealand). Củ Nưa là cây trồng có giá trị kinh tế nếu khai thác sản phẩm được tách ra là glucomannan có thể xuất khẩu với giá trị thương mại cao. Tính trong những năm gần đây, giá trị bột Nưa dao động từ 13.000 – 15.000 USD/tấn cho công nghiệp thực phẩm như chế biến thạch rau câu.

       Ở Việt Nam, ngành chế biến củ Nưa mới được biết đến gần đây, nhưng chưa phát triển mạnh mẽ để mở ra hướng đi mới cho sản xuất bột Nưa phục vụ đời sống hàng ngày. Việc nghiên cứu để trồng trọt củ Nưa phục vụ chế biến để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp là một hướng đi mới, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất bột Nưa hàng hóa ở Việt Nam.

       Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn sản xuất củ Nưa để phục vụ chế biến, từ những vấn đề khoa học còn mới mẻ chưa được làm sáng tỏ trong các điều kiện canh tác trồng củ Nưa nói chung, đề tài tiến hành thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện trồng và mật độ đến khả năng sinh trưởng và phát triển củ Nưa loài krausei có nguồn gốc tại tỉnh Hòa Bình và đã thu được kết quả:

       Điều kiện trồng trên đất trống thích hợp cho củ Nưa, năng suất cao nhất (24,22 tấn/ha), số củ có đường kính đạt tiêu chuẩn chế biến (4,7 – 9,6cm) cao nhất 75,81%) . Nếu trồng xen canh cho năng suất thấp (21,29 tấn/ha), số củ có đường kính đạt tiêu chuẩn chế biến thấp hơn.

       Mật độ trồng trồng củ Nưa cho chế biến sản xuất bột glucomannan khi trồng với mật độ 7 củ/m2 cho năng suất cao nhất (25,31 tấn/ha), tuy nhiên tỷ lệ củ đạt kích thước chế biến từ 4,7 – 9,6 cm thấp nhất (65,41%). Do đó, để tiết kiệm đất trồng và đạt được mong muốn về sản lượng và chất lượng củ chế biến, củ nưa trồng với mật độ 5  củ/m2 là phù hợp.

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.