Kết quả nghiên cứu giống vừng mới VĐ11

Cây vừng (Sesamum indicum L. syn. S. orientale L.) là cây lấy dầu hằng năm thuộc họ Pedaliaceae. Hiện nay có khoảng 30 loài vừng khác nhau, trong đó những loài được trồng phổ biến là vừng trắng (Sesamum indicum L.) và vừng đen (Sesamum orientale L.). Thời gian sinh trưởng của cây vừng từ 75 tới 150 ngày tuỳ giống và vùng sinh thái. Những giống vừng được trồng phổ biến ở Việt Nam và Đông Nam Á có thời gian sinh trưởng từ 75 -100 ngày với chiều cao cây từ 1,0 – 1,5 m. Bên cạnh đó cây vừng cũng được biết đến như là một loại cây vua có dầu trong các loại cây có dầu bởi hàm lượng dầu và protein của nó khá cao, tương ứng với 50% dầu và 25% protein. Ngoài giá trị dinh dưỡng của dầu và protein, hạt vừng còn chứa nhiều các khoáng chất khác. Đồng thời hạt vừng còn chứa rất nhiều các axit béo, khoảng 39% oleic, 44% linoleic. Kết quả nghiên cứu về vừng cho thấy hàm lượng dầu trung bình trong hạt vừng ở Việt Nam và Campuchia là 51% và thành phần axit béo trong hạt như sau: Palmitic C16:0 chiếm 9,5%, Palmitoleic C16:1 chiếm 0,2%, Stearic C18:0 chiếm 5,7%; Oleic C18:1 chiếm 39,8%; Linoleic C18:2 chiếm 43,8%; linolenic C18: 3 chiếm 0,3; Eicosanoic C20:0 chiếm 0,6%; Eicosenoic C20:1 chiếm 1,8%; Eicosedienoic chiếm 0,01%; và các loại khác chiếm khoảng 0,8%.

     Ở Việt Nam vừng là cây lấy dầu quan trọng, được trồng ở khắp các vùng sinh thái. Tuy nhiên vùng tập trung của nó là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Vừng có thể được trồng 2-3 vụ/năm tuỳ điều kiện canh tác của các vùng miền. Do là cây nhiệt đới nên vụ Hè và Hè Thu được coi là thời vụ chính của nó và cho tiềm năng năng suất nhất. Theo thống kê của FAO năm 2007 thì diện tích cây vừng ở Việt Nam có khoảng 45.000 ha với sản lượng là 22.000 tấn. Điều này đã cho thấy năng suất và sản lượng vừng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển cây vừng ở nước ta.
Trong những năm gần đây, do hiện tượng biến đổi khí hậu nên hầu hết các vùng trồng vừng ở nước ta đều gặp nhiều khó khăn. Trong đó điều kiện hạn hán, úng ngập và nhiệt độ tăng được coi là những nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất và sản lượng vừng suy giảm nghiêm trọng. Nhiều nơi vừng cho năng suất rất thấp, không có hiệu quả hoặc đã mất trắng. Trước tình hình đó nhiều địa phương đã chuyển sang những cây trồng khác nhưng hiệu quả bấp bênh không ổn định đặc biệt là đối với tỉnh Nghệ An nơi có diện tích vừng lớn nhất cả nước hiện nay. Bởi vậy, để nâng cao năng suất và sản lượng, sản xuất vừng cần phải được tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó công tác chọn tạo ra những giống vừng cho năng suất cao và chống chịu được với những điều kiện bất thuận là rất quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm tuyển chọn ra giống vừng VĐ11 có khả năng sinh trưởng phát triển và thích ứng tốt trong điều kiện khô hạn hiện nay.
Giống vừng VĐ11 có nguồn gốc từ giống vừng đen Nhật bản do Trung tâm Tài nguyên thực vật đánh giá bình chọn từ năm 2008, có kiểu hình hoa trắng nhạt, không phân cành, khi chín quả có màu nâu, vỏ hạt đen, chống đổ tốt, kháng sâu đục quả và bệnh héo xanh, nhiễm nhẹ bệnh đốm lá. VĐ11 có chiều cao cây trung bình 63 cm, nhiều quả (16 quả/cây), có 4 hàng hạt/quả với 19 hạt/hàng. VĐ11 có khối lượng nghìn hạt trung bình với 2,1g, cho năng suất tiềm năng 1566 kg/ha và năng suất thực thu 1338 kg/ha, cao hơn so với đối chứng V6 trên 20%. VĐ11 bước đầu được đánh giá là thích ứng với điều kiện canh tác vụ Xuân và vụ Hè ở Nghệ An.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
Lê Khả Tường & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.