“Ngậm ngải tìm trầm”

Trầm hương là sản phẩm quý hiếm của nước ta, thơm danh trong ngoài nước từ ngàn đời nay. Từ những năm 206-220 trước CN nhiều tài liệu đã cho thấy có sự giao thoa buôn bán trầm hương giữa người Giao Chỉ (người Việt cổ), người Hán (cổ) và các nước khác trên thế giới. Nó cùng với ngọc trai, ngà voi, vảy tê tê, giáng chân hương(một loại hương nhang rất thơm và quý), …. Là những sản vật quý hiếm dùng để triều cống, hiến tặng có danh giá.

Cây Trầm

Còn gọi là  cây dó, cây Trầm hương, cây Kỳ nam .

   Tại nước ta trầm hương có tất cả 4 loài, đó là: Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte, Aquilaria baillonii Pierre ex Lecomte, Aquilaria banaense Pham-hoang-Ho và loài Aquilaria rugosa L.C.Kiệt & PJ.A Kessler (do tiến sĩ Lê Công Kiệt (Việt Nam) và tiến sĩ Paul Kessler (Hà Lan) tìm thấy ở cao nguyên Trung Bộ). Đây là loài thứ 4 ở Việt Nam và thứ 25 trên thế giới.

Phân bổ địa lý – sinh thái: Ở Việt Nam cây trầm hương phân bố tại các địa bàn như:

 Phía Bắc: Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Hà Tây, Quảng Ninh, Bắc Hà, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc.

 Miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẳng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên, Khánh Hòa.

Tây Nguyên: Gia Lai, Kontum, Đắc Lắk.

 Miền Nam: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Đảo Phú Quốc.

 Đặc biệt thấy nhiều trên suốt chiều dài của dãy Trường Sơn, song do sự khai thác bừa bãi của dân, đến nay chỉ còn thấy cây Dó Bầu ở những vùng xa xôi, đầu nguồn rừng già.

Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đã viết trong sách Phủ biên tạp lục: “Hương ấy là do ở ruột cây dó kết thành. Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”.

Trầm hương (沉香): do sự biến đổi hoàn toàn của các phần tử gỗ – Các phần tử gỗ thoái hoá, biến dạng, mất mộc tố chứa một chất nhựa thơm – có màu nâu đậm hay đen, nặng chìm trong nước ( chính vì vậy mà có tên gọi là trầm () có nghĩa là chìm).

  Loại cực phẩm của trầm hương là kỳ nam hương ( : có nghĩa là loại hương thơm kỳ diệu của phương  nam) gọi tắt là kỳ nam.

   “Người kiếm được nhiều, kẻ kiếm được ít, không nhất định. Loài kỳ nam có mầu giống như sáp trắng là hạng tốt nhất, thứ nhì là màu xanh như đầu vịt, thứ ba là mầu như sáp xanh, thứ tư là màu như sáp vàng, còn thứ màu vằn hổ là thứ kém. Kỳ nam thứ nào mềm như phấn đông lại, có thể cắt ra từng phiến thì là thứ tốt hơn cả, thứ nào cứng là kém. Tục ngữ có câu : “Tốt nhất là trắng, thứ hai là xanh, thứ ba là vàng, thứ tư là đen”. Người ta chỉ căn cứ vào hình, chất, khí mà phân biệt được trầm hươngvới kỳ nam khác nhau. Trầm hương nặng, ít hương, sắc nhạt, mùi đắng, kỳ nam mềm nhẹ,có chất dầu. Hương thanh, đủ cả các mùi cay, chua, ngọt, đắng. Đốt lên thử, khói trầm hương bắt đầu kết lại rồi tan ngay, khói kỳ nam lên thẳng và triền miên lâu tan. Trầm hương chỉ có thể hạ khí, kỳ nam thì trị được cả

   chứng trúng phong, đờm xuyển, cấm khẩu. Nguời ta mắc phải chứng ấy, đem kỳ nam mài vào nước đổ cho uống và đốt kỳ nam cho hương thơm vào mũi thì sống lại ngay. Người đau bụng dầu chướng lên, ngậm vào khỏi ngay. Kỳ nam lại có thể trừ khí độc, khí uế. Người đi đường và đi đánh trận cần phải có nó. Kỳ nam kỵ bọc giấy, nên để vào đồ sứ và lấy vỏ cây chuối bao cho kín. Đem phơi ra nắng buổi chiều lấy ra liền thấy dầu chảy ra. Nhưng cũng không nên phơi luôn. Các điều trên này là do Cựu Văn chức Hiến chưởng nam họ Nguyễn thuật lại.”

Những công dụng của Trầm hương

   Trước hết có lẽ Trầm hương quý bởi giá trị tâm linh. Người ta sùng bái nó bởi nó có hình thù kỳ dị, lại có mùi thơm đặc biệt, ẩn dụ nhiều biểu tượng tâm linh, huyền bí, u tịch. Nó lại được sử dụng trong những thời khắc thiêng liêng, nghi lễ sang trọng ở những nơi thờ cúng tổ tiên, gia đình, chùa chiền nhà phật, nhà thờ hồi giáo. Người ta chế tác trầm hương thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ cho nhu cầu riêng của đời sống con người như trầm phong thủy, trầm mỹ nghệ, trầm trang sức, trầm cảnh, trầm vật dụng thông thường và nhang trầm truyền thống …

     Hương liệu trầm hương thường được buôn bán ở Ấn độ, Trung cận Đông, Đài Loan, Hồng Công, Trung quốc, Indonesia, Malaysia… Theo tác giả (Yau col, 1999) thì hương trầm dùng để sản xuất Alta, Minyak alta là loại hương liệu cơ bản chứa dầu trầm được người Hồi giáo dung để xức lên quần áo khi đọc kinh thánh. Các hương liệu trầm hương tự nhiên của Việt Nam đặc biệt là có xuất xứ ở Khánh Hòa thường có giá thành cao và có uy tín khắp nơi trên thế giới nhất là các nước Ả Rập, Châu Âu, Ấn Độ.

     Trầm hương không thăng hoa trước khi đốt. Khi đốt Trầm hương sẽ thăng hoa làm cho giá trị hữu ích cao, có chất định hương làm tồn tại mùi hương lâu dài trong không gian. Theo y học Trung quốc, hương thơm của Trầm hương có thể loại bỏ ám khí, khí độc, đưa lại mùi hương quyến rũ, huyền bí, tồn tại lâu bền. Người xưa còn sử dụng bột trầm hương để ướp xác. Vì vậy trầm hương đưa con người gần lại với thế giới tâm linh, huyền ảo. Có lẽ giá trị tâm linh của Trầm hương đã làm cho giá trị sử dụng của Trầm hương tăng cao và trở nên vô giá.

     Trong y học cổ truyền, trầm hương được biết tới khi chữa được một số bệnh như chữa bệnh đau bụng gió cấp tính, bí tiểu tiện, chữa chứng bệnh đầy hơi khó tiêu, đau bụng ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ nhược khí, thông chứng do khí hư lâu ngày. Lá cây dó bầu còn có tác dụng giải nhiệt, giải độc gan, chống tăng huyết áp.

Trong tây y, Trầm hương có tính kháng sinh, tạo nên kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương). Có tác dụng chữa một số bệnh tim mạch (đau ngực, suy tim), các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh đường tiết niệu và các bệnh về thần kinh.

   Trong quá trình đi tìm trầm hương, người “đi địu” thường phải ngậm trong miệng thứ thuốc gọi là ngải () nên có câu “ngậm ngải tìm trầm”.

Nói về ngải thì không ai biết chính xác đó là loại thuốc gì bởi ngoài lý do bí mật nghề nghiệp ra thì đất nước ta vừa trải qua thời kỳ kháng chiến cứu nước, cải cách văn hóa làm cho thông tin về ngải lại càng trở nên mơ hồ hơn.

Trong một bài báo trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/9/2006, có tên “Kỳ nam và Trầm hương”, tác giả Tôn Thất Sam cho rằng việc “ngậm ngải” là ngậm củ Ngải, đó chỉ là một loại riềng dại, có vị thơm dịu, khi ngậm, ruột đỡ cồn cào trong lúc thức ăn mang theo đã hết sạch.

Còn theo hai tác giả VÕ KHOA CHÂU, NGUYỄN MAN NHIÊN thì “Trước hết, ngải là một loại cây thảo dược. Dân gian truyền lại rằng, giống cây này được các pháp sư, phù thủy nuôi trồng trong vườn, trước nhà. Có hai loại cây ngải. Một loại giống như cây riềng, và một loại tương tự như cây nén, cây hẹ. Đó là những loại cây có củ, được trồng và chăm sóc hết sức cẩn thận. Người nuôi ngải cho ngải ăn vào ban đêm, thức ăn thường là trứng gà, trứng vịt, cũng có khi là gà giò có lông đen, trói lại, đem bỏ vào giữa đám ngải. Khi ngải ăn, người ta nghe chúng phát ra những âm thanh “xào xào”. Sáng ra, chỉ thấy còn lông gà và vỏ trứng (?)

   Theo quan điểm của chúng tôi  đó là các cây ngải có tác dụng là chống lam sơn chướng khí, bồi bổ cơ thể, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện khắc nghiệt của rừng núi. Trên cơ sở đó chúng tôi phân tích, tìm kiếm thông tin về một số cây Ngải (艾) như sau:

Trước tiên xin được nhắc đến đó là cây ngải cứu. Trong cuốn thứ nhất của bộ sách “Nam dược thần hiệu” mục trị lam chướng có các bài trị khí lam chướng như sau:

–          Trị khi lam chướng, sốt rét tích đờm ( đàm ngược), dịch mùa như sau: Lá ngải cứu: sắc nước uống lúc nóng, cho ra mồ hôi là khỏi.

–          Trị uống phải nước khe độc sinh ho, đau họng và mất tiếng: Lá ngải cứu tươi sắc với nước mà uống thì yên, vị này trừ được tất cả các bệnh về khí độc.

Ngải () còn là tên gọi khác của cây nghệ, vì vậy chúng tôi tìm thấy các cây họ gừng  cũng có tên là ngải như sau :

   Đó là cây ngải xanh ( còn gọi là  ngải mặt trời, phong khương, riềng gió, gừng gió , ngải xanh,  riềng dại, khuhet, phtu, prateal, vong atit (Campuchia) gingembre fou (Pháp),  khinh kèng (Tày) gừng dại, gừng rừng,). Tên khoa học là : Zingiber zerumbet Sm.

   Cây thảo cao khoảng 1m hay hơn, có thân rễ dạng củ, phân thành nhiều nhánh, lúc non màu vàng và thơm, lúc già màu trắng và đắng. Lá không cuống, mọc sít nhau, nhẵn ở mặt trên, có vài long rải rác ở mặt dưới, dài tới 20cm, rộng 5cm, bẹ lá nhẵn, lá kèm nguyên, tròn, dễ gãy. Cán hoa khá mập, dài 20-30cm, các vảy không lợp lên nhau, áp sát nhau, hình mắt chim, thường có màu lục, khi già màu hồng. Đài màu trắng, chẻ thành mo, cao 1,2cm. Tràng có ống dài 2cm, các thùy hẹp, màu trắng 1 nhị. Nhị lép làm thành các thùy bên của cánh môi. Cánh môi màu vàng nhạt, có 3 thùy. Quả nang hình bầu dục, chia 3 ô, mỗi ô chứa 1 hạt đen có áo hạt mềm màu trắng.

    Được dùng làm thuốc bồi dưỡng và tấy độc. Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc việt nam – Giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi- Nhà xuất bản Y học – 2012: Gừng gió có vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết chữa trúng gió, đau bụng, đau nhức sưng tấy. Thân rễ gừng gió 20-30g, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít rượu, chắt nước uống chữa trúng gió bị ngất, tay chân lạnh; đồng thời, lấy bã chưng nóng, xoa xát khắp người. Thân rễ gừng gió giã nát cùng với lá chàm mèo, đắp làm thuốc cầm máu vết thương, tẩy độc chữa trị nôn nao trong người, Chóng mặt muốn ngất xỉu, còn dùng cho phụ nữ sau sinh để kích thích ăn uống bồi dưỡng cơ thể.

 Cây thảo cao chừng 1-1,5m, có thân rễ hình nón, có khía dọc, củ tỏa ra theo hình chân vịt, dày, nạc, màu vàng nhạt ở trong, củ già có những vòng màu đen. Ngoài những củ chính ra, còn có những củ phụ có cuống hình trái xoan hay hình quả lê, màu trắng. Lá có bẹ dài ở gốc, phiến hình mũi mác, dài tới 60cm, rộng 8cm, có những đốm đỏ dọc theo gân chính: không có cuống hay có cuống ngắn. Cán hoa ở bên cạnh thân có lá, mọc từ rễ, dài tới 20cm, thường xuất hiện trước khi ra lá. Cụm hoa hình trụ, dài tới 20cm, rộng 5cm, lá bắc phía dưới hình trái xoan hay mũi mác tù, lợp lên nhau, màu lục nhạt, viền đỏ ở mép, các lá bắc trên không sinh sản màu vàng nhạt, điểm them màu hồng ở chóp. Hoa nhiểu, dài 4-5cm, màu vàng. Đài hình ống, có lông, có 3 răng không đều. Tràng hình ống dài hơn đài 3 lần, các thùy hình mũi mác tù. Bao phấn hình trái xoan có các ô kéo dài xuống phía dưới thành cựa rẽ ra, ngọn trung đới dạng bản tròn; chỉ nhị dính với các nhị lép. Cánh môi thót lại ở gốc, lõm lại ở đỉnh màu vàng. Nhị lép hình mũi mác tù hay thuôn, dính lại ở dưới. Bầu có long, nhụy lép ở dùi.

 “Có tác dụng hành khí, phá huyết, tiêu tích hóa thực. Chữa ngực bụng đau, ăn uống không tiêu. Nga truật giúp sự tiêu hóa, chữa đau bụng, kích thích, bổ.” (Những cây thuốc và vị thuốc việt nam – Giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi- Nhà xuất bản Y học – 2012).

1

 Đó là cây Ngải tiên (Hedychium coronarium Koenig)

  Thân rễ và quả có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng khu phong trừ thấp, ôn trung tán hàn, thường được dùng chữa đau bụng lạnh, bụng đầy trướng, tiêu hoá kém, đau mình mẩy phong thấp, nhức mỏi gân xương, cảm sốt, chữa rắn cắn.

2
Ngải tiên – Hedychium coronarium Koenig
Ảnh theo libweb.hawaii.edu

Tài liệu tham khảo

1.      Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007

2.      Từ điển Hán – Việt, Thiều Chửu

3.      Giản yếu Hán – Việt từ điển, Vệ Thạch, Đào Duy Anh, Imprimerie Tieng-Dan, 1932.

4.      Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, nhà xuất bản Giáo duc – Hà Nội,1998

5.      Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi, nhà xuất bản Y học, nhà xuất bản thời đại,2012

6.      Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh, nhà xuất bản y học, 1972

7.      https://www.botanyvn.com

8.      (https://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/moi-truong/20060904/ky-nam-va-tram-huong/159942.html )

9.      Từ điển thực vật thông dụng, Võ Văn Chi, nhà xuất bản khoa học kỹ thuật, 2004.

Nguyễn Chí Tín, Nguyễn Tiến Hưng

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.