Thông tin báo chí về kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 ngành Nông nghiệp và PTNT
6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua khó khăn thách thức đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tổng giá trị xuất khẩu nửa đầu năm toàn ngành đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016; cả nước đã có 2.745 xã (30,76%) đạt chuẩn nông thôn mới; GDP toàn ngành theo tính toán tăng 2,65%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, mức tăng trưởng ngành 2,65% trong 6 tháng đầu năm là tích cực trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong những tháng cuối năm, nếu không có điều kiện bất lợi thì ngành nông nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao với mức tăng GDP 3,05%; kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 33 tỷ USD của năm 2017.
Ngành NN&PTNT đạt mức tăng trưởng tích cực
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,65%, trong đó nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%; giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 2,81%, trong đó: trồng trọt tăng 1,66%, chăn nuôi tăng 2,88 %; lâm nghiệp tăng 4,45%, thuỷ sản tăng 5,17%.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù không có thiên tai lớn xảy ra, nhưng biến đổi khí hậu với nhiều hình thái thời tiết dị thường, tác động đến sự sinh trưởng và năng suất của các loại cây trồng, tạo thuận lợi cho sâu bệnh bùng phát. Theo Cục Trồng trọt, diễn biến thời tiết bất thường đã khiến lúa, vải, điều giảm nhẹ về sản lượng, nhưng bù lại giá các nông sản chính ổn định và có xu hướng tăng, trừ cây hồ tiêu. Điều này đã góp phần tích cực để nông dân yên tâm sản xuất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. “Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã chuyển 30,6 nghìn ha sang nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Riêng việc chuyển từ lúa chất lượng thấp sang chất lượng cao đã tạo ra giá trị gia tăng tương đương với 60.000 tấn lương thực” – ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.
Ngành trồng trọt đang tái cơ cấu đúng hướng, trong đó tập trung vào những cây trồng chủ lực, có tín hiệu thị trường tốt. “Xuất khẩu các nông sản chủ lực đạt 9,1 tỷ USD – tăng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, rau quả trong 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định. Khả năng từ nay tới cuốinăm, giá lúa gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Đối với lĩnh vực thủy sản, trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao 5,17%. Đây là lĩnh vực được trông đợi đóng góp vào mức tăng trưởng chung của Ngành. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,64triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 54,8% kế hoạch năm), trong đó khai thác biển đạt 1,56 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Do giá cá, tôm nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ ổn định nên hoạt động nuôi trồng tiếp tục phát triển. Diện tích thả nuôi tôm cao hơn cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tính đến 20/6, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 641 nghìn ha, tăng 5,4%. Tuy nhiên, sản xuất cá tra vẫn tiếp tục đối diện với các rào cản kỹ thuật tại các thị trường tiêu thụ lớn (Mỹ, EU). Vì vậy, diện tích nuôi cá tra đạt 3.076 ha, giảm 16% sản lượng đạt 583,5 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm 2016.
Đối với lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng mới đạt 91,9nghìn ha, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2016. Công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tiếp tục được Bộ và các địa phương quan tâm,tăng cường lực lượng tại các điểm trọng yếu. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: Với nhiều thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã được khơi thông, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hoàn toàn có thể đạt kim ngạch trên 7,5 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi,tính đến tháng 6,đàn bòcó 5,95triệu con, tăng 2,3%, trong đó bò sữa có293,4nghìn con, tăng 5,2%; đàn trâu có 2,61 triệu con, giảm nhẹ (-0,8%); đàn gia cầm khoảng 359,7 triệu con, tăng 5,2%. Riêng đàn lợn có 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 1,6 triệu con so với 1/4/2017 do người nuôi không tái đàn.
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ giao
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: 6 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, tuy nhiên điều này chỉ là tín hiệu khả quan cho tình hình tăng trưởng của ngành chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoại trừ năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng GDP khá cao với mức 3,3% nhờ sự đột phá trong xuất khẩu thủy sản, còn lại trong 2 năm gần đây chỉ đạt 2,36% năm 2015 và 1,36% năm 2016. Vì vậy, chỉ tiêu mà Chính phủ giao ở mức 3,05% năm 2017 là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho thời gian còn lại của năm 2017.Thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão; Thứ hai là vấn đề thị trường, từ tháng 1/9/2017, Mỹ sẽ chính thức áp dụng luật Farm Bill sẽ khó khăn cho mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về an toàn thực phẩm của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để ổn định, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản sẽ rất cam go.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với Luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Đối với xuất khẩu tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu từ 3,2-3,5 tỉ USD. Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và thị trường nước bạn Trung Quốc sẽ được quyết liệt triển khai từ nay tới cuối năm 2017.
Năm 2017, chăn nuôi nhiều khả năng có thể đạt mức tăng trưởng 3% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn giá lợn rất thấp và tình hình cải thiện thị trường rất chậm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thời gian tới, Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành chăn nuôi để có giải pháp điều chỉnh; Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cho việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng cho rằng, 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế. Mặc dù đến nay, chúng ta mới chỉ triển khai tái cơ cấu nông nghiệp được 4 năm, tuy nhiên vẫn phải rà soát lại quy hoạch, cơ cấu ngành hàng theo tình hình thị trường. Theo đó có những cây – con phải tăng, có những cây – con phải điều chỉnh giảm. Việc rà soát lại quy hoạch và đề án tái cơ cấu phải bám sát chủ yếu vào tín hiệu và tình hình thị trường, tình hình thực tiễn sản xuất cũng như phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải bám vào 3 trục sản phẩm gồm 10 nhóm mặt hàng quốc gia xuất khẩu trên 10 tỉ USD, nhóm ngành hàng cấp tỉnh và nhóm địa phương. Công tác phát triển thị trường là nhiệm vụ nóng hổi hơn hết của 6 tháng cuối năm 2017 cũng như thời gian tới. Bộ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết cho từng ngành hàng để lãnh đạo Bộ kiểm tra cho ý kiến. “Trước mắt, Cục phải khẩn trương phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tổ chức Diễn đàn xuất khẩu thịt gà và sản phẩm gà tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/7 và sau đó là Diễn đàn khuyến khích xuất khẩu thịt lợn” – Bộ trưởng chỉ đạo./.
Theo omard