Hệ thống canh tác nông nghiệp tại cao nguyên đá Đồng Văn và những yếu tố tác động
Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng với nhiều hệ thống nông nghiệp truyền thống đặc trưng nổi bật, có thể đáp ứng với các tiêu chí của GIAHS, tuy nhiên chưa có hệ thống nào được công nhận bởi sáng kiến của FAO về GIAHS. Từ khi là thành viên tham dự vào sáng kiến GIAHS, Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia. Bộ Nông nghiệp đã cử Đầu mối quốc gia về GIAHS là Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Cho đến nay đang tiến hành xây dựng bộ hồ sơ công nhận hệ thống canh tác nông nghiệp trên cao nguyên đá Đồng Văn là GIAHS để trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và đệ trình FAO. Việc lựa chọn Hệ canh tác trên cao nguyên đá Đồng Văn là ứng viên cho GIAHS được bắt đầu từ tháng 1 năm 2015, trên cơ sở lựa chọn ra từ một số hệ thống canh tác khác như: Ruộng bậc thang Sa Pa, Hệ thống nông lâm kết hợp vùng Trung du MNPB, Hệ thống nương chè vùng trung du, Hệ canh tác lúa nổi ĐBSCL, Hệ vườn ao chuồng vùng đồng bằng Sông Hồng v.v… Thông qua các cuộc thảo luận giữa PRC, chuyên gia tư vấn, FAORAP, FAO Việt Nam đã ưu tiên chọn Hệ canh tác núi đá trên cao nguyên đá Đồng Văn để xây dựng văn kiện đề xuất công nhận là GIAHS, tiến tới xây dựng kế hoạch hành động về việc bảo tồn động hệ thống này nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị vốn có. 1. Một số nét chung về cao nguyên đá Đồng Văn Địa hình của cao nguyên đá đồng văn chủ yếu là núi đá vôi có xen lẫn núi đất bị chia cắt mạnh, núi cao, vực sâu. Độ cao tuyệt đối phổ biến từ 800 m – 1 200 m so với mặt nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Phần lớn diện tích của lãnh thổ thuộc về thượng nguồn của sông Miện và sông Nho Quế với các sườn núi đá vôi có độ dốc lớn và chia cắt mạnh. Có đến 55 – 60% diện tích của vùng là diện lộ của các loại đá vôi. Sự đan xen giữa các diện lộ đá vôi và các loại đá khác đã làm nên ở đây một sự kết hợp hài hòa, đa dạng giữa địa hình gồ ghề, hiểm trở của đá vôi và địa hình thoải, mềm mại của các loại đá khác. Trên bề mặt các khối núi đá vôi quá trình xâm thực hiện đại diễn ra mạnh mẽ do sự đục khoét của nước tạo nên những khối đá tai mèo lởm chởm. Sự đa dạng trong địa hình này tạo cho vùng một cảnh quan độc đáo điển hình như Cổng trời và Núi đôi ở Quản Bạ, Cổng thành Cán Tỷ, đỉnh Mã Pì Lèng đã nổi tiếng từ lâu. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện gần 40 điểm di sản thiên nhiên có giá trị tài nguyên mang ý nghĩa quốc gia, quốc tế. Trong đó, có 7 di sản về tiến hoá trái đất; 3 điểm quan sát toàn cảnh; 7 vườn đá, rừng đá; 6 điểm di sản về vách đá dốc đứng cao từ 200 – 600m; 7 di sản hang đá; 5 di sản về các trũng kiến tạo karst; và 3 điểm bảo tồn cổ sinh học. Ngày 3/10/2010, tại Lesvos (Hy Lạp), cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu GGN (Global Geoparks Network). Điểm đặc biệt nhất của cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất duy nhất trên toàn cầu có quần thể cư dân sinh sống với một hệ thống canh tác trên nương đá rất độc đáo. 2. Mức độ đáp ứng các tiêu chí GIAHS của hệ canh tác cao nguyên đá Hệ thống nông nghiệp truyền thống trên Cao nguyên đá Đồng Văn nổi bật là hệ canh tác nương xếp đá và thổ canh hốc đá, nó đạt đủ 5 tiêu chí của GIAHS, cụ thể như sau: (1) Hệ thống nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho cộng đồng người địa phương Với địa hình chia cắt mạnh những dải núi đá tai mèo sắc nhọn xen những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như kim tự tháp nên gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của vùng. Địa hình bị chia cắt và độ dốc lớn nên việc khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu nước rất phổ biến đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, nhưng ngược lại cũng hay xảy ra lũ quét vào mùa mưa. Canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào nước trời. Phương thức canh tác truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn đã tồn tại lâu đời, nó nuôi sống khoảng 250 nghìn người của 17 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở đây. Thông qua đó đã sản sinh ra những giá trị về an ninh lương thực, sinh kế và văn hóa xã hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ví dụ Huyện Quản Bạ: Ngành nông lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế huyện chiếm 38% tổng GDP toàn huyện (2010), nuôi sống gần 95% dân số với hơn 88% lao động và sử dụng quỹ đất lớn nhất. Như vậy hệ thống canh tác nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho huyện Quản Bạ. Huyện Mèo Vạc: Cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1/3 GDP của toàn huyện nhưng nó vẫn là ngành kinh tế quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho ngươi dân. Bởi vì nông nghiệp sử dụng gần 89% nguồn lao động, hơn 78% tổng diện tích đất tự nhiên và nuôi sống đến 93,5 % dân số của toàn huyện (2010). (2) Hệ thống nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn duy trì sự đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng có hệ địa – sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng. Do nằm ở độ cao trên dưới 1.000 m so với mực nước biển, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài, nên thực vật nơi đây mang sắc thái của khu hệ thực vật á nhiệt đới Hoa Nam – Bắc Việt Nam. Với kiểu rừng đặc trưng là rừng kín thường xanh, trong đó đã pha tạp một số loài thực vật á nhiệt đới, giỏi chịu hạn và chịu lạnh: thông, sa mộc, khảo, de, dổi, trò chỉ, vàng tâm, nghiến, trai, cây bụi và thảm thực bì. Quần xã rừng nguyên sinh ở đây còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đỏ, dẻ tùng sọc nâu, đỉnh tùng, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ, hà thủ ô đỏ, đỗ trọng… Đặc biệt, trên những hoang mạc đá ở cao nguyên Đồng Văn có tới trên 40 loài lan, điển hình là lan hài. Cao nguyên Đồng Văn còn là môi trường sống của các loài động vật hoang dã với trên 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, voọc mũi hếch, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, hoạ mi… tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của vùng cao nguyên đá. Ở đây có một số loài động thực vật đặc hữu, loài trong sách đỏ như Thông đỏ, cây bảy lá một hoa, voọc mũi hếch… Sự đa dạng về sinh học nông nghiệp của những cây trồng nông nghiệp nói riêng và thực vật nói chung ở đây vẫn còn đang tồn tại. Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Nùng… tạo nên một nền văn hóa nhiều sắc thái và hệ canh tác nông nghiệp đa canh, đa dạng. Cây trồng, vật nuôi khá phong phú: cây lương thực có lúa, ngô, kiều mạch (tam giác mạch), đậu các loại, rau, bí đỏ, …; cây công nghiệp có chè shan tuyết, đậu tương, lanh, lạc…; cây ăn quả có đào, lê, mận, hồng…; cây dược liệu có đỗ trọng, thảo quả, hoàng tinh, ba kích; động vật nuôi có bò, trâu, dê, lợn, gia cầm, ong mật. Hiện nay, trong vùng đang thử nghiệm trồng cây cải dầu, hoa hồng tại một số vùng. Cây lương thực chủ yếu là ngô với sự đa dạng dưới loài cao, cụ thể có các loại ngô nếp, ngô tẻ, ngô vàng, ngô trắng, ngô tím. Đặc biệt là các loại đậu ăn hạt rất đa dạng, có đến trên 10 loại giống khác nhau, nổi bật là các giống đậu “nho nhe”, đậu đũa, đậu dải, đậu cove v.v.. (3) Hệ thống nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn duy trì sự hệ thống kiến thức và công nghệ thích hợp Kiến thức truyền thống về sản xuất nông nghiệp của 17 nhóm dân tộc cũng rất khác nhau được truyền lại qua các thế hệ giúp họ tự đảm bảo an ninh lương thực và chất lượng cuộc sống cho cho cộng đồng và đối phó với những thách thức kinh tế và toàn cầu ngày nay và sau này. Trong đó hệ thống kiến thức bản địa về sản xuất nông nghiệp bao gồm: – Trồng trọt trên cao nguyên đá hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 11. Và như vậy mùa vụ trồng trọt cũng theo đó mà bắt đầu. Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên đất dốc, núi đá thiếu nước như là chọn thời vụ gieo trồng, địa điểm trên núi đá có thể trồng trọt và cho thu hoạch, kinh nghiệm giữ nước để cung cấp cho cây trồng trên núi đá, sáng tạo và sử dụng các công cụ làm đất thích hợp, v.v.. Nương của người dân tộc có hai loại: Luân canh và quảng canh. Về thời vụ: trước kia trồng độc canh cây ngô, sau này do áp dụng khoa học kỹ thuật đã chuyển từ một vụ sang trồng 2 – 3 vụ. Do đất ít, chủ yếu canh tác trong các hốc đá nên đồng bào có kỹ thuật thâm canh, xen canh khá cao: Trong một nương ngô có thể trồng cả bí, dưa, đậu đỗ. – Kỹ năng chọn chọn lọc và duy trì sự đa dạng các giống cây trồng, kinh nghiệm để giống qua các năm. Hệ thống canh tác trên nương đá được hình thành từ quá trình mưu sinh dưới điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt tại cao nguyên đá Đồng Văn. Trải qua hàng trăm năm xếp đá để có đất trồng trọt, canh tác trên diện tích đất trồng hẹp giữa rừng đá trập trùng. Phía trên là thế, ở dưới lớp đất toàn là đá lổn nhổn nên việc cày, cấy rất khó khăn người dân nơi đây đã sáng tạo ra một loại lưỡi cày có thể cày trên đá. Những lưỡi cày với hình dáng đặc biệt, chắc chắn có thể “trườn mình” trên đá phục vụ cho công việc làm nương, rẫy trên vùng đất khó khăn. Ngô, lúa, đậu trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp, kết hạt. Đặc biệt người dân tộc Mông có phương thức canh tác ngô rất độc đáo, vào trước mùa mưa, họ gùi những gùi đất bỏ vào các hốc đá trên núi và tra hạt ngô, hạt đậu xuống. Khi mưa xuống, hạt ngô nảy mầm và sinh trưởng, giao phấn và kết hạt và cho thu hoạch. Công việc như thế diễn ra liên tục hàng năm nhờ sự khổ công và cần cù của người dân, và kết quả là đã hình thành lên những cánh đồng trên cao nguyên đá có thể nuôi sống gia đình họ. Phương pháp canh tác truyền thống là chủ đạo như xếp đá tạo ruộng bậc thang, canh tác trên hốc đá (còn gọi là thổ canh hốc đá), cày trâu, ít dùng phân hóa học mà dùng phân chuồng, dựa vào nước trời, xen canh (ngô, đậu đỗ, bí đỏ, tam giác mạch…), nhìn cây để gieo hạt (gieo ngô khi hoa đào nở), những phương pháp canh tác này đã hình thành qua nhiều thế hệ và rất thích hợp điều kiện cụ thể của địa phương. Để đảm bảo an ninh lương thực, người dân tộc đã sử dụng những giống cây trồng bản địa được truyền lại từ ông cha đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt và chống chịu sâu bệnh. Cây lương thực chủ yếu là ngô với chủng loại giống rất đa dạng. (4) Hệ thống nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn có các hệ thống giá trị về văn hóa và nông nghiệp Trên Cao nguyên Đồng Văn có sự phong phú của các hệ thống kiến thức của 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi một nhóm dân tộc lại có một hệ thống kiến thức và tập quán về văn hóa xã hội và sinh kế khác nhau. – Văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, các nghi lễ trước trong và sau mùa gieo trồng. Người Dao có các lễ hội như: lễ hội cầu mùa của người Dao, lễ cấp sắc; người Tày có các lễ hội “Gọi trăng”, lễ treo cày bừa, lễ ăn lúa mới, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cầu yên vào rằm tháng giêng, lễ xuống đồng; Lễ cúng rừng của người Nùng; Lễ hội của người Lô Lô, người Giáy, v.v.. Trong các lễ hội có các bài hát, điệu hò, điệu ví, hát gọi tình của các dân tộc được thể hiện, ví dụ: Hát giao duyên của người Mông và người Dao, Hát Phươn của người Nùng, Hát Coi của người Tày, v.v… – Văn hóa bảo quản chế biến các sản phẩm nông nghiệp họ làm ra ví dụ chế biến các loại bánh ngô, xôi ngô, mèn mén, rượu ngô, bánh tam giác mạch, v.v.. – Ngoài văn hóa tín ngưỡng, còn có rất nhiều các lễ hội dân gian khác như: Hội Làng Đán ở Quản Bạ, Chợ tình Khâu Vai ở Mèo Vạc, Hội đua cá ở Yên Minh, v.v.. Các chợ phiên vùng cao 1 tuần mở 1 phiên hoặc 1 tháng có 1 phiên,… cũng là những nét văn hóa gắn liền với sản xuất nông nghiệp, ở đó có sự giao lưu văn hóa, sản vật nông nghiệp mang đậm nét vùng cao nguyên đá. – Sản xuất thủ công của người dân tộc đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc… Đặc biệt người Mông có truyền thống trồng cây lanh để lấy sợi dệt vải, từ bao đời nay người con gái Mông từ lúc còn nhỏ đã được truyền dạy về nghề làm sợi, dệt vải. (5) Hệ thống nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn có cảnh quan nổi bật, nét đặc trưng về quản lý tài nguyên đất và nước Địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt gây rất nhiều trở ngại cho sản xuất nông nghiệp và sinh sống của cư dân bản địa tại Cao nguyên đá, tuy nhiên nó lại tạo nên một cảnh quan, môi trường độc đáo, với những con đường quanh co men theo những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ, (các dãy núi đá tai mèo hùng vĩ và các hang động đá) rất có giá trị cho du lịch với các địa danh như núi đôi, cổng trời Quản Bạ, cổng thành Cán Tỷ, dốc bản Bắc Sum, hang Phố Mỷ, rừng sinh thái Ba Tiên, miền đá xã Quyết Tiến; Dinh nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng và bên dưới là sông Nho Quế, có những thắng cảnh tự nhiên hết sức quý giá như vườn hoa đá Khâu Vai, vườn thú đá Lũng Pùng và hệ thống hang động khá dày đặc với 37 cái. Kết hợp với một nền văn hóa nhiều sắc thái của 17 dân tộc, tạo nên sự hấp dẫn cho du khách. Cảnh quan nổi bật nhất của hệ canh tác trên cao nguyên đá Đồng Văn đó là hệ thống nương xếp đá trên những sườn núi dốc đứng cheo leo, những cánh đồng hốc đá đã được hình thành hàng trăm năm, các bể nước treo tự nhiên và nhân tạo để cung cấp nước cho cây trồng. Thêm vào đó, những hàng rào đá những nương đá quanh nhà, nhà tạo cho những ngôi nhà nơi đây một nét kiến trúc độc đáo, để đắp đá thành tường rào chống xói mòn, đá giữ đất, giữ nước để làm ruộng bậc thang. Chuồng nuôi nhốt gia súc bên những vách đá cheo leo. III. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HỆ THỐNG CANH TÁC TRUYỀN THỐNG TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN 1. Những trở ngại và thách thức Năm 2010 cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất và được chính phủ quan tâm xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị, đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch. Tuy nhiên đó cũng là một trong những thách thức có thể làm mất cân bằng và phá vỡ hệ sinh thái canh tác nông nghiệp truyền thống nếu không có chiến lược phát triển bền vững, toàn diện. – Sản lượng lương thực vẫn thiếu và tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao, lý do chính là sản phẩm trồng trọt chỉ đủ lương thực cho ¾ nhu cầu. Nếu có sự thâm nhập ồ ạt của các giống mới, tiến bộ kỹ thuật do giao lưu, giao thương và du lịch thì sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự bền vững của hệ canh tác nông nghiệp truyền thống, cụ thể là: – Sự đa dạng các giống cây bản địa (ngô, lúa nương, đậu đỗ) sẽ bị suy giảm do sự xâm nhập và thế chỗ của những giống mới năng suất cao nhưng kém thích nghi chưa bộc lộ yếu điểm trong 1, 2 vụ trồng trọt đầu. – Phương thức canh tác truyền thống sẽ mai một (trồng trọt trên hốc đá, canh tác trên đất xen kẹt trong núi đá) nếu không có phương pháp phục hồi và phát triển phù hợp. – Giá trị kinh tế của canh tác truyền thống thường thấp kém. Sự khó khăn về yếu tố đầu vào và đầu ra của sản phẩm truyền thống cũng ảnh hưởng đến canh tác truyền thống, ví dụ như: thị trường cho sản phẩm nông nghiệp truyền thống không tốt. – Lực lượng lao động sẽ chuyển sang làm các dịch vụ phục vụ du lịch thương mại, thậm chí rời bỏ quê hương đi làm ăn nơi khác sẽ tăng. – Sự thờ ơ không quan tâm đến các giá trị truyền thống và GIAHS của giới trẻ. 2. Những nguyên nhân cơ bản Có nhiều nguyên nhân và các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống được xác định ở trên. Tuy nhiên, dưới đây là những nguyên nhân quan trọng mà sẽ cần có giải pháp giải quyết để bảo đảm cho GIAHS được duy trì và phát triển: – Nghèo đói và nhận thức hạn chế: Người nghèo, những người không có lựa chọn nào khác là sống dựa vào và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh họ để duy trì sinh kế. Vì vậy, chương trình phát triển bền vững phải tạo ra sinh kế thực tế cho người dân sống ở đó. – Sử dụng không thích hợp các nguồn lực ở cộng đồng và các cấp xã, huyện, tỉnh. – Các chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển bền vững còn hạn chế. – Thiếu các nguồn lực xây dựng chính sách sử dụng và phát triển tài nguyên của chính quyền cấp tỉnh và quốc gia.
|
|
TS. Phạm Hùng Cương |