Hiện trạng sản xuất và sự đa dạng nguồn gen cây bưởi địa phương vùng sông Đáy, Hà Nội
Tập đoàn bưởi ở nước ta rất đa dạng, có nhiều nguồn gen quý, nhiều giống có tiềm năng xuất khẩu với giá trị kinh tế cao, hiện Ngân hàng gen cây trồng quốc gia đang lưu giữ 202 nguồn gen bưởi (Trung tâm Tài nguyên thực vật, 2016) tại các vùng sinh thái trên cả nước.
Nguồn gen bưởi tại vùng lưu vực sông Đáy hiện nay chủ yếu được trồng trong các vườn của hộ nông dân với nhiều giống khác nhau, chưa tập trung khai thác và phát triển, chưa xác định được khả năng thích ứng của mỗi giống đối với từng địa bàn ở phía tây Hà Nội cũng như các vùng phụ cận, chưa tuyển chọn cây đầu dòng cho một số giống đặc sản nên chưa giải quyết được công tác nhân giống. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của lưu vực sông Đáy rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả có múi nói chung và cây bưởi nói riêng, có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Nguồn gen bưởi địa phương tại lưu vực sông Đáy rất đa dạng phong phú, đã và đang được người dân trồng, chăm sóc và khai thác khá tốt góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Đề tài đã điều tra, ghi nhận được 19 giống bưởi trong vùng nghiên cứu, trong đó có nhiều giống bưởi có giá trị kinh tế và chống chịu sâu bệnh khá tốt như: bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, bưởi đường Hiệp Thuận hoặc các giống rất có tiềm năng phát triển như bưởi Bốn mùa (ra hoa, quả quanh năm),…. Đây là những nguồn gen quý, hiện nay nguồn gen này đang được người dân trong vùng rất quan tâm để phát triển.
Những nguy cơ thách thức đối với bảo tồn và phát triển các giống bưởi ở khu vực sông Đáy là đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Để vượt qua những nguy cơ thách thức này đòi hỏi không chỉ cố gắng của cộng đồng mà cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách của xã, huyện, thành phố, các Viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.
Chi tiết: xem tại đây