Đánh giá tính kháng bệnh khảm hoa lá (MYMD) của tập đoàn đậu xanh địa phương và nhập nội tại Phú Yên

       Đậu xanh (Vigna radiata (L.) Wilczek.) là cây thực phẩm họ đậu giàu và cân đối protein, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chịu hạn, dễ thích ứng môi trường. Trong điều kiện biến đổi khôn lường của khí hậu hiện nay, đậu xanh là một trong những cây trồng tiềm năng được nhiều nước lựa chọn để nghiên cứu phát triển trong các chương trình ứng biến với thay đổi khí hậu toàn cầu. Ở nước ta, đậu xanh là cây trồng có ý nghĩa trong hệ thống nông nghiệp xen canh, gối vụ và mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nghèo và sản xuất nhỏ, đặc biệt đối với các tỉnh Trung, Nam trung bộ và Tây Nguyên.

       Một trong những bệnh nghiêm trọng nhất gây thiệt hại đến canh tác đậu xanh là bệnh khảm vàng (khảm lá, tên tiếng anh: Mungbean Yellow Mosaic Disease_MYMD). Đây là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản lượng đậu đỗ và đặc biệt là đậu xanh. Bệnh có thể làm giảm 62,9% tốc độ sinh trưởng và 83,9 % sản lượng đậu xanh nếu như triệu chứng xuất hiện sau khi gieo hạt 20 ngày (CABI, 2007b). Triệu chứng và tác hại của bệnh đã được ghi nhận từ năm 1979 tại Việt Nam, nhưng cho đến gần đây nguyên nhân gây bệnh mới được phát hiện (Tsai vs cs, 2013).

       Nguyên nhân bệnh được phát hiện là do virus Mungbean Yellow Mosaic Virus (MYMV), đây là virus thuộc chi Begomovirus (họ Geminivirus) được lan truyền bởi bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Genn). Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện 2 chủng virus gây bệnh khảm vàng đậu xanh: Mungbean Yellow Mosaic India Virus (MYMIV) được tìm thấy ở khu vực tiểu lục địa Ấn Độ và MYMV được tìm thấy ở nhiều nước khác. Tại Việt Nam, chủng virus gây bệnh đã được xác định tại Miền Nam Trung Bộ và Miền Trung Việt Nam là MYMV (Tsai và cs., 2013). Begomovirus là một trong những tác nhân gây bệnh virus nhiều nhất đối với cây trồng tại Việt Nam, tính đến nay đã có khoảng 19 begomovirus được phát hiện tại Việt Nam bằng phân tích phân tử (Hà Viết Cường và cs, 2008). Việc phòng trừ bệnh do begomovirus gây ra là rất khó vì virus có khả năng tái tổ hợp và đột biến cao, vector truyền bệnh là bọ phấn rất khó diệt trừ nên việc kiểm soát bệnh bằng hóa học là không khả thi và còn gây nguy hại cao đến môi trường. Do đó, xác định nguồn gen kháng và phát triển các giống kháng cho từng vùng được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, ổn định và an toàn để quản lý dịch bệnh, giúp canh tác bền vững, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác chọn giống gặp khó khăn do thiếu đánh giá chi tiết về nguồn gen kháng. Chính vì những lý do trên, đề tài đã tiến hành nội dung nghiên cứu: “Đánh giá tính kháng bệnh khảm lá (MYMD) của tập đoàn đậu xanh địa phương và nhập nội tại Phú Yên”

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.