Cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ: trường hợp kháng thuốc Glyphosate
TS. Ngô Đức Thể
Glyphosate đã trở thành thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới kể từ năm 1974 với lượng sử dụng toàn cầu là 8,6 tỷ kg (hoạt chất glyphosate) từ năm 1974 đến năm 2014. Nghiên cứu này đề cập về cỏ dại kháng glyphosate (GR) và cơ chế kháng của chúng dựa trên các trường hợp kháng glyphosate đã được đăng trên bài báo và báo cáo khoa học trên thế giới. Có bốn mươi chín loài cỏ dại khác nhau đã phát triển khả năng kháng glyphosate ở 29 quốc gia, với tổng số 318 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới. Năm mươi phần trăm các trường hợp kháng thuốc Glyphosate được ghi nhận trong các hệ thống canh tác có sử dụng cây trồng kháng glyphosate. Có 255 trường hợp được xác định (80,2%) kháng glyphosate thuộc 5 quốc gia đứng đầu (về số trường hợp và loài), đó là Mỹ, Australia, Argentina, Brazil và Canada. Năm loài cỏ dại phổ biến nhất (về số trường hợp kháng glyphosate) được phát hiện có khả năng kháng glyphosate là Conyza canadensis, Amaranthus palmeri, Amaranthus tuberculatus, Lolium perenne ssp. Multiflorum, và Ambrosia artemisiifolia tương ứng lần lượt là 42, 42, 29, 26 và 21 trường hợp kháng glyphosate được ghi nhận trên thế giới. Trong số 49 loài cỏ dại, 19 loài cỏ dại kháng glyphosate được phát hiện không chỉ kháng glyphosate mà còn với các loại thuốc diệt cỏ khác (kháng nhiều loại thuốc diệt cỏ). Cơ chế kháng glyphosate ở cỏ dại bao gồm (1) thay đổi vị trí đích: đột biến vị trí đích và khuếch đại gen vị trí đích; và (2) các cơ chế không phải vị trí đích liên quan đến các phương thức loại trừ glyphosate khỏi vị trí đích: giảm hấp thu glyphosate, giảm chuyển vị glyphosate và tăng cường chuyển hóa glyphosate. Điều cần thiết là phải có một chương trình quản lý cỏ dại tổng hợp không chỉ bao gồm phối trộn và thay đổi thuốc diệt cỏ một cách hợp lý, mà còn cả các phương pháp quản lý cỏ dại theo truyền thống, thủ công, cơ giới và dựa trên từng đối tượng cây trồng.
Xem bản đầy đủ: tại đây