Kết quả đánh giá một số tính trạng phẩm chất nguồn gen lúa tại Ngân hàng gen cây trồng quốc Gia
Tài nguyên cây trồng là tài sản quý giá của nhân loại. Công việc bảo tồn và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên này là tiền đề để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng cây trồng góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia đang lưu giữ trên 18.000 nguồn gen của gần 140 loài cây nông nghiệp với nhiều hình thức khác nhau. Tại Ngân hàng gen hạt giống hiện đang lưu giữ khoảng trên 15.000 nguồn gen của trên 100 loài cây trồng có hạt, trong đó hơn 7.000 nguồn gen là nguồn gen lúa. Song song với việc lưu giữ nhằm đảm bảo không bị xói mòn mất mát nguồn gen thì việc phân tích, đánh giá ban đầu và đánh giá chi tiết các nguồn gen cây trồng nông nghiệp nói chung và nguồn gen cây lúa nói riêng đang là nhiệm vụ được đặt ra một cách cấp thiết nhằm góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn gen quý mà chúng ta đang có. Để góp một phần vào công việc này, chúng tôi bước đầu đánh giá một số tính trạng chất lượng của nguồn gen cây lúa hiện đang lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia. Vật liệu nghiên cứu là các mẫu giống lúa được cung cấp từ Ngân hàng gen hạt giống thuộc Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia. Qua nghiên cứu cả hai nhóm lúa Tẻ và Nếp đều có sự biến động lớn về các tính trạng nghiên cứu. Điều này chứng tỏ là nguồn gen lúa hiện đang được bảo tồn rất phong phú. Tỷ lệ lúa Tẻ có trong nguồn gen lúa chiếm 61% cao hơn so với lúa Nếp (39%). Tỷ lệ lúa Indica chiếm 48% và lúa Japonica là 52%. Một số giống lúa Tẻ có hàm lượng amylose tương đối thấp dưới 17% như các giống có Số đăng ký 6403 (14%); 5061 (14,2%); 4023 (14,4%) và 9985 (15,5%) có thể sử dụng trong công tác khai thác và làm giàu nguồn gen. Chúng tôi nhận thấy có sự tương quan thuận giữa tính trạng độ thơm với tính trạng trọng lượng 100 hạt ở nhóm lúa Nếp. Tuy nhiên mối quan hệ này ở nhóm lúa Tẻ lại là mối tương quan nghịch. Ở cả hai nhóm lúa Nếp và Tẻ đều có mối quan hệ giữa độ thơm và hàm lượng amylose và đây là mối tương quan nghịch. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Nguyễn Song Hà và cộng sự |