Nghiên cứu đa dạng di truyền lúa nếp địa phương

    Lúa nếp là một trong những nhóm lúa đặc sản lâu đời của nhân dân Việt Nam và gắn liền với văn hóa truyền thống và ẩm thực Việt Nam. Lúa nếp có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước và được trồng ở cả nương và ruộng. Việc nghiên cứu đa dạng di truyền tập đoàn lúa nếp không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn các giống lúa đặc sản mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác chọn tạo giống lúa chất lượng cao.
Ngày nay, chỉ thị phân tử được sử dụng rộng rãi như một công cụ hữu hiệu trong nghiên cứu di truyền và cho phép đánh giá một số lượng lớn locut trải khắp bộ gen của nhiều loài cây trồng. Những thông tin về đa dạng di truyền ở mức độ ADN có thể phát hiện sự khác biệt nhỏ nhất giữa các giống, vì thế giúp nhận dạng những giống quý, hiếm trong các tập đoàn cây trồng trồng một cách nhanh chóng và chính xác. Kỹ thuật DNA fingerprinting đã được áp dụng để nhận dạng và phân biệt giống ở hơn 30 loại cây trồng khác nhau như cam chanh (Citrus spp.), chuối (Musa spp.), lúa mỳ (Triticum spp.), dâu tây… (Bhat và ctv, 2006; Rinehart và ctv, 2007).
Trong số các chỉ thị ADN thì chỉ thị SSR được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong nghiên cứu cấu trúc di truyền lúa trồng O. sativa, nghiên cứu quá trình tiến hóa, làm rõ độ thuần của vật liệu lai tạo giống…, do đây là chỉ thị đồng trội cho đa hình cao và ổn định. Hiện nay, hơn 15.000 chỉ thị SSR đã được thiết lập (www.gramene.org, 2006), phủ kín trên bản đồ liên kết di truyền của lúa (Giarrocco và ctv, 2007). Trong những năm gần đây, nhiều công trình sử dụng chỉ thị SSR nghiên cứu đa dạng di truyền và DNA fingerprinting để nhận dạng giống ở lúa đã được công bố (Kalyan và ctv, 2006; Jalaluddin và ctv, 2007; Muhammad và ctv, 2009; Navraj và ctv, 2009).
Trong nghiên cứu này, chỉ thị SSR được sử dụng để nghiên cứu đa dạng di truyền và lập tiêu bản ADN của 45 nguồn gen lúa nếp ở đồng bằng miền Bắc, giúp nhận dạng giống phục vụ công tác bảo tồn và cung cấp thông tin có giá trị cho công tác chọn tạo giống lúa nếp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
45 trong số 50 chỉ thị SSR cho đa hình giữa các giống lúa nếp tại 46 locut. Tổng số alen phát hiện tại 46 locut SSR của 45 giống lúa nếp là 234. Số alen đa hình tại mỗi locut biến động từ 2 đến 10, đạt trung bình 5 alen/locut. Trong số 45 chỉ thị SSR cho đa hình, 18 chỉ thị phát hiện được 28 alen duy nhất (alen hiếm) ở 16 giống. Những thông tin thu được từ các chỉ thị này có thể có ích cho công tác phân biệt và nhận dạng 16 giống lúa nghiên cứu.
Đa số các giống lúa nếp đồng bằng (43/45 giống) nghiên cứu thuộc nhóm lúa Japonica dựa trên phân tích UPGMA từ các chỉ thị gen nhân SSR và phân tích ADN lục lạp với các giống đối chứng Nipponbare và Kasalath. Hai giống lúa nếp còn lại là Nếp nõn tre (6196) và Nếp hạt chanh (7055) được tách riêng thành một nhóm và có ADN lục lạp thuộc nhóm lúa Indica.
Ứng dụng đa hình ADN trong phân tích mối quan hệ di truyền và phân loại ở nguồn gen lúa nếp trong công trình này có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho công tác nhận dạng giống, giúp ích cho công tác bảo tồn nguồn gen bản địa và chương trình chọn giống lúa nếp ở nước ta.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
                                                                                                               
Trần Danh Sửu và CS

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.