Chi Nhân sâm (Panax L.)
1. Phân loại
Ngành: Mộc lan (Magnoliophyta) Lớp: Hai lá mầm (Dicotyledoneae) Bộ: Hoa tán (Umbelliflorae) Họ: Nhân sâm (Araliaceae) Chi: Nhân sâm (Panax) 2. Mô tả Cây nhiều năm, lưỡng tính hoặc có thể có đơn tính đực, không gai hay độc tố. Thân đơn có sẹo ở gốc. Lá kép chân vịt, 3-5 lá chét. Lá chét nguyên đến có răng hoặc xẻ thùy lông chim. Cụm hoa đơn ở ngọn, có hình tán. Cuống có khớp bên dưới hoa lưỡng tính, không có khớp rõ ở bên dưới các hoa đực. Đài 5, ngắn, dạng răng. Tràng 5, lợp. Nhị 5; bầu 2 hoặc 3 (-5) lá noãn; vòi nhụy rời hoặc hợp ở gốc, có cùng số lượng như lá noãn. Quả hạch, hình cầu, đôi khi hơi dẹp hoặc tam giác. Hạt dẹt hai bên, nhiều bằng lá noãn; Nội nhũ phẳng. (Xiang and Lowry 2007). Có khoảng 13 loài đã được miêu tả, hầu hết phân bố ở Đông Á, vùng Himalaya, Đông Dương, Bắc Mỹ. Tất cả đều là các cây thuốc (Yun 2001; Xiang and Lowry 2007). Panax có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp Pan=all + axos=medicine (thuốc) có nghĩa là ‘trị bá bệnh’ (Yun 2001). Các loài này có chứa các thành phần cơ bản gồm ginsenosides (hay còn gọi là panaxosides), polysaccharides, peptides, rượu polyacetylenic và các acid béo (Attele, Wu et al. 1999). Trong đó ginsenosides được coi là hoạt chất quan trọng nhất của sâm (Wang, Wang et al. 2005). Mặc dù vậy, chỉ có hai loài là Panax ginseng C. A. Meyer (Sâm Hàn Quốc, Sâm Cao Ly, Sâm Á châu) và Panax quinquefolius L. (Sâm Mỹ) là được trồng trọt và thương mại hóa rộng rãi (Attele, Wu et al. 1999; Attele, Wu et al. 1999; Jia and Zhao 2009), các loài khác khá hiếm và bị đe dọa, thậm chí có loài có thể bị tuyệt chủng trong tương lai gần do nạn khai thác bừa bãi hoặc mất nơi sống. 3. Giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nhân sâm Người Trung Quốc đã sử dụng nhân sâm từ hàng ngàn năm trước như được đề cập trong các trước tác của Shi You (khoảng những năm 48-33 TCN) hay Shanghan Lun (khoảng những năm 200 SCN). Thậm chí trong cuốn “Thần nông bản khảo điển” của Tào Hồng Chí (502-557) còn cho rằng nhân sâm được vua Thần Nông giới thiệu từ khoảng 5500 năm trước (Yun 2001). Nhân sâm được bắt đầu được trồng ở Hàn Quốc từ khoảng năm 11 TCN bằng cách thuần hóa các giống hoang dại. Đến thời vua King In Jong (khoảng những năm 1100) việc trồng trọt và chọn giống bằng hạt đã được thực hiện (Yun 2001). Ngày nay, thương hiệu Sâm Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt là sâm của vùng Gưm San. Bộ rễ của nhân sâm quả đúng như tên gọi của nó, trống khá giống hình người, do vậy nó được các lương y tin rằng nó hợp nhất cả 3 thành phần (cơ thể, trí tuệ và tâm hồn) và được xem là “vua” của các loài thảo dược (SY 1976). Người Phương Đông thường sử dụng nhân sâm như một loại thuốc bổ, tuy vậy trong cuốn “Bách khoa thư dược thảo” của Lý Thời Trân (1596) thì nhân sâm được sử dụng làm thành phần để điều trị 23 chứng bệnh. Trong cuốn “Dược điển Hàn Quốc” của Huh Joon vào năm 1610, nhân sâm cũng được sử dụng cho 653 (16.6%) trong tổng số 3,944 đơn thuốc (Yun 2001). Ngày nay nhân sâm được sử dụng rộng rãi ở không chỉ ở vùng Viễn Đông và trong vài thập kỷ qua đã phổ biến ở phương Tây (Attele, Wu et al. 1999; Ang-Lee, Moss et al. 2001; Wang and Yuan 2008). Thống kê trên trang Thomson Reuters ISI Web of Knowledge từ 1986 đến nay đã có hơn 3000 nghiên cứu liên quan đến nhân sâm được công bố, điều đó cho thấy mức độ quan tâm của thế giới đối với loại thảo dược này. Từ rễ nhân sâm, hơn 30 loại ginsenoside được phân lập và mô tả, hầu hết chúng được phân loại vào hai nhóm cơ bản là protopanaxadiol (ginsenosides Rb1, Rb2, Rc, Rd, Rg3, and Rs3) và protopanaxatriol (ginsenosides Re, Rg1, and Rf) (Sun, Gu et al. 2009). Các nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng dược lý của các hoạt chất này trong việc điều trị viêm, ung thư, tiểu đường v.v. Về mặt kinh tế, doanh thu hàng năm từ sâm vào khoảng 98 triệu USD và tăng trưởng ở mức 26%/năm (Yun, Lee et al. 2002). Tập đoàn Sâm Hàn Quốc (KGC) đã có kinh nghiệm sản xuất hồng sâm hơn 100 năm, tính riêng năm 2004 doanh thu từ các sản phẩm nhân sâm đã mang về cho tập đoàn khoảng 305 tỷ Won ($290 triệu USD), trong đó 70% là mỹ phẩm. Cùng năm đó, xuất khẩu sản phẩm từ nhân sâm đạt 55 triệu USD, thị trường chủ yếu là Hồng Công và Trung Quốc đại lục (27 triệu USD) (Etherington and Palermo 2006). Virginia và Tây Virginia là nơi xuất khẩu sâm lớn nhất của Mỹ, chiếm khoảng 18% trong tổng số 27200 kg sản lượng sâm hàng năm của toàn quốc. Trong 3 năm (2004-2006) ngành nông nghiệp Mỹ chứng nhận việc xuất khẩu hàng năm tương ứng đạt 1800 kg, 2270 kg và 1633 kg đem lại gần 1 triệu USD (Etherington and Palermo 2006). Tài liệu tham khảo Ang-Lee, M. K., J. Moss, et al. (2001). “Herbal medicines and perioperative care.” Jama-Journal of the American Medical Association 286(2): 208-216. Attele, A. S., J. A. Wu, et al. (1999). “Ginseng pharmacology: Multiple constituents and multiple actions.” Biochemical Pharmacology 58(11): 1685-1693. Attele, A. S., J. A. Wu, et al. (1999). “Ginseng pharmacology – Multiple constituents and multiple actions.” Biochemical Pharmacology 58(11): 1685-1693. Etherington, T. and M. Palermo (2006). “Products and Markets.” Non-wood News 13: 1-91. Jia, L. and Y. Q. Zhao (2009). “Current Evaluation of the Millennium Phytomedicine-Ginseng (I): Etymology, Pharmacognosy, Phytochemistry, Market and Regulations.” Current Medicinal Chemistry 16(19): 2475-2484. Sun, B. S., L. J. Gu, et al. (2009). “Simultaneous quantification of 19 ginsenosides in black ginseng developed from Panax ginseng by HPLC-ELSD.” Journal of Pharmaceutical and Biomedical Analysis 50(1): 15-22. SY, H. (1976). “The genus Pananx (ginseng) in Chinese medicine.” Econ Bot 30: 11-28. Wang, A. B., C. Z. Wang, et al. (2005). “Determination of major ginsenosides in Panax quinquefolius (American ginseng) using, high-performance liquid chromatography.” Phytochemical Analysis 16(4): 272-277. Wang, C. Z. and C. S. Yuan (2008). “Potential Role of Ginseng in the Treatment of Colorectal Cancer.” American Journal of Chinese Medicine 36(6): 1019-1028. Xiang, Q. and P. P. Lowry (2007). “Araliaceae.” Flora of China 13: 489-491. Yun, T.-K. (2001). “Brief Introduction of Panax ginseng C.A. Meyer.” J Korean Med Sci 16: 3-5. Yun, T. K., Y. S. Lee, et al. (2002). “Active anticarcinogenic compounds in Panax ginseng CA Meyer.” International Journal of Cancer: 305-305. |
|
Ths. Hoàng Gia Trinh |