Bảo tồn in situ tài nguyên di truyền cây trồng ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp
Tài nguyên di truyền cây trồng hay quĩ gen cây trồng( QGCT) có thể được bảo tồn insitu (nội vi hay tại chỗ, trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh/ sinh sống của nguồn gen) và exsitu (ngoại vi hay chuyển chỗ, tại nơi khác với nơi xuất sứ/ sinh sống của nguồn gen).
Bảo tồn insitu các loài cây trồng nông nghiệp bao gồm cả bảo tồn trên đồng đất của nông dân (bảo tồn on farm) các giống địa phương cổ truyền với sự nhân giống tích cực bởi nông dân. Mục tiêu của bảo tồn insitu là động viên nông dân tuyển chọn và bảo tồn đa dạng sinh học các loại cây trồng vì lợi ích của nhân loại (Bhuwon Sthapit, Devra Jarvis, 2000). Bảo tồn in situ QGCT quan tâm đến việc duy trì quần thể của các loài trong điều kiện môi trường sống nơi xuất xứ, ví như cộng đồng các loài hoang dại, hoặc trên đồng ruộng của nông dân như một bộ phận cấu thành của hệ sinh thái nông nghiệp (Bush, 1995; Bellon et al., 1997). Bảo tồn insitu có những tiềm năng sau đây: (1) bảo tồn quá trình thích nghi của các giống địa phương với môi trường sống của chúng, (2) bảo tồn đa dạng sinh học ở mọi mức độ – hệ sinh thái, loài và trong loài, (3) cải thiện sinh kế của nông dân, (4) duy trì hoặc gia tăng sự tiếp cận và quản lý của nông dân đối với nguồn tài nguyên di truyền thực vật của họ, (5) gắn kết nông dân với mạng lưới tài nguyên di truyền thực vật quốc gia và cuốn hút nông dân tham gia trực tiếp vào quá trình bổ sung giá trị nguồn gen, và (6) gắn kết cộng đồng nông dân với ngân hàng gen trong việc bảo tồn và sử dụng nguồn gen. Bảo tồn in situ cho phép các nguồn gen và tri thức bản địa được sử dụng, phát triển và biến đổi, (7) Các điểm bảo tồn nội vi là địa bàn lý tưởng cho việc nghiên cứu các quá trình liên quan đến sự tiến hóa của cây trồng, như dòng chảy của gen và cho việc nghiên cứu xây dựng các kỹ thuật canh tác bền vững.
Như vậy, bảo tồn in situ QGCT đem lại nhiều lợi ích trực tiếp cho cá nhân và cộng đồng (kinh tế xã hội, sinh thái và di truyền) hơn bảo tồn exsitu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nước nào hoàn toàn thành công với phương pháp bảo tồn in situ đối với các loài cây trồng hàng năm quan trọng. Thậm chí ở một vài nước như Ấn Độ, Trung Quốc các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất hoàn toàn với các phương pháp đã được Viện Tài nguyên di truyền thực vật quốc tế(IPGRI), nay là BIOVERSITY tổng kết đưa ra trên cở sở hàng loạt các dự án, đề tài được thực hiện trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á được tham gia vào một số dự án nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng mô hình bảo tồn in situ ở mức toàn cầu, và vùng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy vậy đến nay, bảo tồn in situ quỹ gen cây trồng ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa có vùng/ điểm bảo tồn on farm nào được duy trì và hoạt động bền vững (Phạm Thị Sến, Nguyễn Thị Ngọc Huệ, 2009).
Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu không ngừng biến đổi bất lợi cho cuộc sống và sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng nguồn gen cây trồng bản địa ngày càng gia tăng vừa để đa dạng hóa cây trồng, góp phần thích ứng BĐKH, tránh nguy cơ mất mùa đồng loạt, vừa để lai tạo, phát triển các giống cây trồng mới tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp. Như vậy, trước nguy cơ xói mòn di truyền ngày càng tăng, bảo tồn in situ quỹ gen cây trồng bản địa đã trở thành cấp thiết, cần được thực hiện như một phần của nhiệm vụ thường xuyên bảo tồn TNDTTV phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp của quốc gia. Bài viết đề cập đến các nội dung chính của bảo tồn in situ, đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy bảo tồn in situ bền vững QGCT ở nước ta trong thời gian tới.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
GS.TS. Vũ Mạnh Hải, ThS. Vũ Văn Tùng & cs