Nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm đất tới sự phát triển của bệnh lở cổ rễ đậu cô ve và khả năng ức chế bệnh của nấm Trichoderma harzianum

           Nấm Rhizoctonia solani gây bệnh lở cổ rễ là một loại nấm đất đa thực gây bệnh khá nghiêm trọng và phổ biến trong sản xuất trên nhiều đối tượng cây trồng, đặc biệt là trên những loại cây trồng chính như: lúa, đậu, cà, dưa chuột và thuốc lá…(Führer Ithurrart et al., 2004). Nấm R. solani có thể gây ra khá nhiều triệu chứng khác nhau như: héo rũ cây con, thối gốc, lở cổ rễ, thối thân mầm, thối quả và loét thân (Schwartz et al., 2007).

Bệnh lở cổ rễ gây ra bởi nấm R. solani là bệnh nấm gây ảnh hưởng rất quan trọng trên cây đậu, chúng xuất hiện phổ biến ở hầu hết các vùng trồng đậu trên thế giới. Bệnh hại nghiêm trọng làm giảm tới 60% năng suất đậu, đặc biệt là khu vực nhiệt đới (Benhamou and Chet, 1993). Ở Việt Nam, bệnh gây hại mạnh ở những vùng trồng đậu đỗ thuộc đồng bằng, trung du và miền núi. Mặc dù bệnh có thể gây hại ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, tuy nhiên bệnh gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây con. Bệnh hại nặng làm cây gục chết hàng loạt nên còn được gọi là bệnh chết rạp cây con. Hiện nay, thuốc trừ nấm, giống kháng bệnh, biện pháp canh tác truyền thống và phòng trừ sinh học đã được sử dụng để kiểm soát bệnh, tuy nhiên chưa có biện pháp đơn lẻ nào mang lại giải pháp hiệu quả trong phòng trừ bệnh lở cổ rễ (Führer Ithurrart et al., 2004). Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, yếu tố đất và những nhân tố liên quan như độ ẩm đất ảnh hưởng tới sự phát sinh và phát triển của bệnh lở cổ rễ cũng như hiệu lực kiểm soát bệnh của nấm đối kháng Trichoderma harzianum (Danielson and Davey, 1973).
Vật liệu nghiên cứu là: Giống đậu cô ve Speedy (Phaseolus vulgaris L.), chủng nấm R. solani AG-4 được phân lập từ đậu cô ve được sử dụng cho thí nghiệm lây nhiễm và chủng nấm đối kháng T. harzianum T-12 được lấy từ Viện Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Hannover.
Nghiên cứu này giúp phát hiện và bổ sung kiến thức liên quan đến vai trò của độ ẩm đất đối với sự phát triển của bệnh lở cổ rễ đậu gây ra bởi nấm R. solani và hiệu quả phòng trừ sinh học sử dụng nấm đối kháng T. harzianum.

Sự phát sinh xâm nhiễm và gây hại của bệnh lở cổ rễ đậu trong đất và hoạt động của nấm T. harzianum không khác biệt ở 4 ẩm độ đất thí nghiệm (20, 30, 42 và 57%);

          Nấm T. harzianum có hiệu quả cao trong việc ức chế sự xâm nhiễm và phát triển của bệnh lở cổ rễ đậu.

Xem báo cáo chi tiết tại đây

Nguyễn Trường Vương & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.