Nghiên cứu đánh giá thực trạng sản xuất và đa dạng nguồn gen bưởi ở xã Cát Quế, Hoài Đức, TP. Hà Nội
Lưu vực Sông Đáy qua địa bàn Hà Nội được coi là vùng có đa dạng sinh học cao đặc biệt là nguồn gen cây trồng, trong đó có nguồn gen cây bưởi. Mặc dầu vậy, gần đây do tốc độ thị hóa nhanh, thêm vào đó là việc trồng đại trà giống bưởi Diễn đã và đang xuất hiện nguy cơ mất mát những nguồn gen bưởi quý trong vùng. Dự án:“Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi địa phương tại vùng sông Đáy huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội” do GEF/GSP tài trợ do Hội Nông dân huyện Hoài Đức làm chủ Dự án sẽ góp phần hạn chế những nguy cơ đề cập trên. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng đa dạng nguồn gen, sản xuất và tiêu thụ bưởi ở xã Cát Quế, điểm triển khai dự án, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen bưởi địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại xã Cát Quế có sự đa dạng cao nguồn gen bưởi địa phương, đặc biệt ở đó có nguồn gen bưởi đường Quế Dương quý mà người dân lưu giữ từ nhiều đời nay. Bưởi Quế Dương được đánh giá không chỉ có nhiều đặc tính sinh học quý mà còn có hiệu quả kinh tế cao. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những khó khăn, nguy cơ trong việc bảo tồn, phát triển những nguồn gen này tại địa phương. Một số giải pháp được đưa ra nhằm bảo tồn và phát triển bền vững những nguồn gen bưởi địa phương tại vùng dự án, đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên đới, điều này rất quan trọng cho sự thành công của dự án. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
TS. Nguyễn Khắc Quỳnh & CS |