Một số vấn đề phương pháp luận về bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật
Về mặt phương pháp luận, có một số khái niệm đã được thống nhất để định hướng chiến lượng về phương pháp bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật.
1. Các nguồn gen (giống) thuộc danh mục bảo tồn là để phục vụ rộng rãi cho các mục tiêu và đối tượng sử dụng trong nước. Mặt khác, quỹ gen là tài sản quốc gia nên trao đổi quốc tế phải tuân theo quy chế Nhà nước. 2. Mỗi nước chỉ có một Ngân hàng gen cây trồng quốc gia. Hệ thống bảo tồn tài nguyên cây trồng quốc gia hoạt động theo nguyên tắc màng lưới do Ngân hàng gen cây trồng quốc gia điều phối. 3. Bảo tồn quỹ gen cần đảm bảo nghiêm ngặt tính an toàn và nguyên trạng, tức là không để mất và không làm thay đổi bản chất di truyền của nguồn gen. Quỹ gen của một loài cây nông nghiệp có thành phần là các giống trồng trọt của loài và các đơn vị phân loại (taxa) cây hoang dại (wild relatives), chủ yếu là các chi và loài, có quan hệ gần gũi với loài cây đó… 4. Thứ tự ưu tiên bảo tồn quỹ gen các loài cây trồng được xác định như sau: – Các loài cây bản địa, – Các loài cây nhập nội lâu đời đã trở thành cây trồng của quốc gia, địa phương. – Các nguồn gen quý (donors) của các giống nhập nội và cải tiến. 5. Thứ tự ưu tiên bảo tồn của từng loài cụ thể: – Các giống địa phương – Các giống thương phẩm phổ biến rộng trong sản xuất – Các nguồn gen quý (donors) của các giống nhập nội và các dòng chọn giống đời cao. 6.Phương pháp bảo tồn: Phương pháp bảo tồn dựa vào phương thức sinh sản loài cây: – Các loài cây sinh sản bằng hạt giống, được chia làm 2 nhóm: + Các loài cây có hạt giống dễ tính (hạt giống orthodox): Bảo tồn ex-situ ngân hàng gen hạt giống trong kho lạnh. + Các loài cây có hạt giống khó tính (hạt giống recalctrant), thuộc nhóm này là cây lâu năm: Bảo tồn in-situ hoặc ex-situ bằng việc tạo lập vườn cây tập trung hoặc bảo quản ex-situ phôi trong nitơ lỏng. – Các loài cây sinh sản vô tính: Bảo tồn ngân hàng gen đồng ruộng có thể là ex-situ hoặc in-situ và bảo quản in-vitro mô và tế bào Vận dụng các phương pháp bảo tồn ex-situ và in-situ: Bảo tồn ex-situ: Bảo quản tĩnh (static preservation), tiến hành thông qua lưu giữ ngân hàng gen; – Ngân hàng gen hạt giống: An toàn, không mất giống, số lượng giống lưu giữ lớn, chi phí không cao. Cây trồng ngừng tiến hoá trong quá trình lưu giữ. Áp dụng cho các loài cây có hạt giống dễ tính. – Ngân hàng gen đồng ruộng: Cây trồng tiến hoá trong tự nhiên, loại trừ đột biến không có lợi. Khó ngăn chặn việc mất giống và khó lưu giữ nhiều giống. Áp dụng cho cây sinh sản vô tính. – Ngân hàng gen in-vitro: Tần số đột biến cao, chi phí bảo quản đắt. Áp dụng cho các loài và giống cây trồng khó có thể bảo quản bằng các phương pháp khác và phải thường xuyên phục tráng lại giống trong điều kiện tự nhiên. Bảo tồn in-situ: Bảo quản động (dynamic preservation). Cây trồng tiến hoá bình thường, loại trừ đột biến không có lợi. Không bảo tồn được số lượng giống lớn, chi phí đắt, khó tiến hành. Có hai biến thức: – Bảo tồn in-situ áp dụng cho các loài cây trồng lâu năm có hạt giống khó tính và các loài cây hoang dại họ hàng gần gũi với cây trồng. – Bảo tồn trên đồng ruộng của nông dân: áp dụng cho các loài cây trồng hàng năm nhưng chỉ đối với các giống có thể đưa vào cơ cấu sản xuất và sinh lợi cho nông dân. Chiến lược bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật là kết hợp hài hoà hai phương pháp ex-situ và in-situ. Các nước kinh tế phát triển đã hình thành đầy đủ cơ sở vật chất của bảo tồn ex-situ nên đang quan tâm nhiều đến bảo tồn in-situ. Ngược lại, các nước đang phát triển chỉ ưu tiên tạo lập được ngân hàng gen thích hợp để giữ cho không mất nguồn gen của mình nên phải ưu tiên bảo tồn ex-situ. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nước ta cần ưu tiên đầu tư cho bảo tồn ex-situ để lưu giữ an toàn và ngăn chặn mất mát nguồn gen đang diễn ra rất nhanh, đồng thời xúc tiến bảo tồn in-situ để hỗ trợ cho bảo tồn ex-situ trong việc duy trì quá trình tiến hoá tự nhiên của cây nông nghiệp. |
|
TS. Lưu Ngọc Trình, KSC. Nguyễn Tiến Hưng |