Văn hóa sinh học (Bio-culture) trong cây nếp Cẩm ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai

Nếp Cẩm là một giống lúa truyền thống có hạt gạo màu tím đỏ, được trồng trọt ở nhiều địa phương của Việt Nam, từ đồng bằng châu thổ đến vùng núi cao. Tuy nhiên diện tích trồng Nếp Cẩm thường rất nhỏ và người tiêu dùng Việt Nam cũng ít biết về nó. Một số cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có người Dao, Mông, Giáy ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, nếp Cẩm được sử dụng cho các mục đích truyền thống, mang bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo. Ngoài việc đồ xôi, nấu cháo thông thường hay đun làm nước uống, nếp Cẩm còn được xay ra thành bột để làm loại bánh nướng có màu màu đỏ đậm cho năm mới và cho các nghi lễ đám cưới. Nếp Cẩm cũng là nguyên liệu chính cho một sản phẩm gạo lên men được gọi là Rượu Nếp, có một hương thơmđặc biệt và màu sắc đen bóng bắt mắt. Rượu Nếp chủ yếu được ăn riêng hoặc ở một số cộng đồng khác, nó được ăn kết hợp với các loại rau thuốc.       Tả Phìn là một xã có đa số người dân tộc Dao sinh sống, nằm cách  thị trấn Sa Pa khoảng 15 km về phía nam. Từ xa xưa người Dao đến Tả Phìn từ Trung Quốc và một số trong họ có mang theo kiến thức về y học Trung Quốc. Cùng với thời gian sống trong môi trường tự nhiên của Sa Pa, cộng đồng người Dao đã tích lũy cho mình một nguồn tri thức về cây dược liệu vô cùng phong phú và đặc sắc. Ngày nay, cộng đồng Dao ở Tả Phìn chủ yếu là nông dân và cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp của họ là cây lúa trên ruộng bậc thang, mặc dù họ cũng đã và đang phát triển một số loại cây trồng khác như ngô, thảo quả và lúa nương trên núi. Hầu hết mỗi nông hộ đều có một khu vườn nhỏ gần nhà để phát triển cây dược liệu, rau thuốc. Các cộng đồng nghèo và trẻ em thường thôi đi học sau ngày sinh nhật lần thứ 15 của họ. Đặc biệt tại Tả Phìn, hầu hết chị em phụ nữ đều có tay nghề thủ công- dệt và may thêu thổ cẩm, và một phần sản phẩm làm ra được bán cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Sa Pa.
Hiện nay, tại Tả Phìn, 90% diện tích lúa được trồng bằng các giống lúa lai Trung Quốc, 5%  trồng giống cổ truyền Nếp Trắng, được biết có hương vị thơm ngon và 5% còn lại trồng 03 giống lúa địa phương khác, trong đó có giống lúa nếp Cẩm Bèo Ông Củ. Ở Tả Phìn, hạt gạo của Nếp cẩm ngoài việc sử dụng theo phong tục truyền thống kể trên còn được sử dụng để điều trị tiêu chảy và cung cấp cho phụ nữ sau khi sinh để hồi phục nhanh sức khỏe. Tất cả các giống lúa được sản xuất ở Tả Phìn chỉ để tiêu thụ trong cộng đồng. Kể từ khi lúa lai Trung Quốc du nhập vào được trồng diện tích lớn, tình trạng đói giáp vụ đã không còn. Tuy nhiên các giống lúa truyền thống vẫn được duy trì  bền vững ở diện tích nhỏ, vì chúng có vị ngon và hương thơm hơn các giống lúa mới. Lý do trồng các giống cây trồng truyền thống là do nhu cầu văn hóa ẩm thực, làm thuốc cũng như nhận thức của người Dao cho rằng, bảo tồn các giống truyền thống là một dấu hiệu của sự tôn trọng với tổ tiên của họ, người đã cho họnhững hạt giống đầu tiên.

Trước đây nếp Cẩm Bèo Ông Củ được trồng trong hệ thống canh tác đốt nương làm rẫy. Nay do chính sách của nhà nước người dân đã dần chuyển sang trồng ruộng nước nên theo đánh giá của người dân chất lượng gạo không ngon bằng trước kia khi trồng trên nương. Hàng năm, giống này được trồng một vụ, từ tháng 4 đến tháng 10. Lúa đòi hỏi điều kiện cao về thổ nhưỡng (đất tốt) nhưng chịu được nước lạnh, và thường không cần bón phân (thường chỉ dùng phân kali để tăng độ chắc khoẻ, không được dùng đạm để tránh đổ trước khi thu hoạch).

Cộng đồng ở Tả Phìn trồng Nếp Cẩm, để có hạt gạo sau khi lên men được gọi là Rượu Nếp. Rượu Nếp được ăn hàng ngày kết hợp với các loại rau thuốc và đôi khi  nấu kèm với thịt gà hoặc thịt heo. Sự kết hợp này được sử dụng cho mục đích chữa bệnh và bồi bổ cơ thể. Sáu loại rau làm thuốc được trồng phổ biến, mỗi loại rau có đặc tính riêng.

Trong  các bài thuốc của Trung Quốc, rượu thường được sử dụng để chuyển các tác nhân dược lý vào cơ thể người. Được lên men  bắng men lá tự nhiên do đó rượu Nếp có hàm lượng cồn thấp thực hiện chức năng này trong các bài thuốc truyền thống của người Dao. Rượu Nếp vận chuyển các hoạt chất của các loại rau vào cơ thể. Việc sử dụng các loại rau thuốc thiếu rượu Nếp là không hiệu quả. Theo người Dao, việc ăn uống Rượu nếp cũng như Nếp Cẩm ngoài việc có lợi làm cho mọi người cảm thấy khỏe mạnh hơn, Rượu Nếp còn làm cho quá trình tiêu hóa, hấp thụ của các loại rau dễ dàng hơn.

Như đã đề cập ở trên, chỉ có cộng đồng người Dao ở Tả Phìn có kiến thức truyền thống về việc sử dụng các loại rau thuốc kết hợp với Nếp Cẩm. Trong một cuộc phỏng vấn với khoảng 15 hộ người Dao ở Tả Phìn cho thấy, cộng đồng người Dao, nhất là người Dao Đỏ rất quan tâm đến việc bảo vệ tri thức truyền thống của họ, đặc biệtliên quan đến các nhà nghiên cứu thường xuyên đến thăm cộng đồng. Do đó, không chắc chắn, liệu cộng đồng người Dao ở Tả Phìn có sẵn sàng chia sẻ kiến thức của họ với các cộng đồng dân tộc khác hay không. Và trước bối cảnh, các thế hệ trẻ ở nông thôn nói chung và ở Tả Phìn nói riêng đang ngày càng thích nghi hơn với cuộc sống hiện đại, không còn quan tâm đến tri thức truyền thống liên quan đến cây cỏ như các thế hệ cha ông của họ.

Điều này tạo ra những thách thức rất lớn cho việc bảo tồn giống lúa này trong tương lai.

Một số  suy nghĩa cần bàn
Ở Tả Phìn, cộng đồng người dân, đặc biệt chị em phụ nữ rất quan tâm đến vấn đề  khảo sát sinh học,  mặc dù những kiến thức y học truyền thống đã không được họ chia sẻ một cách cụ thể với những người đến tìm hiểu, thu thập tri thức truyền thống cho mục đích nghiên cứu,  vì cộng đồng lo ngại khi hợp tác chặt chẽ với người ngoài, họ có nguy cơ mất kiến thức về chúng.

Với các nhà nghiên cứu tri thức truyền thống liên quan nguồn gen, có hai vấn đề cần chú ý:

i) Hầu hết các cộng đồng Dao khắp Việt Nam có kiến thức truyền thống về cây thuốc và các bài thuốc dân gian và những kiến thức này  trùng lặp đến 40% giữa các cộng đồng Dao khác nhau, và 60% còn lại ở những cách thực hành riêng ở mỗi cộng đồng cụ thể;

ii)  thứ hai, bên cạnh sự chồng chéo về kiến thức, các cộng đồng người Dao khác nhau thường mô tả cây cỏ tương tự với tên gọi khác nhau, mang lại nguy cơ chồng chéo kiến thức dưới những cái tên khác nhau.

Vì lý do này, cộng đồng người Dao ở Tả Phìn đã chia sẻ, họ cần một chứng chỉ như chỉ dẫn địa lý hay phương thức quản lý nào đó có thể giúp kết nối cộng đồng, nơi xuất xứ của những kiến thức truyền thống giá trị, để họ có một quyền sở hữu riêng  và thu lợi ích đối với kiến thức đó. Đây cũng chính là vấn đề các nhà quản lý và các  nhà khoa học liên quan đến bảo tồn nguồn gen và tri thức truyền thống cần suy nghĩ và hãy có hành động hỗ trợ cụ thể với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam để  bảo vệ tốt tri thức truyền thống gắn với nguồn gen quí khi  chưa quá muộn.

Nếp cẩm Bèo Ông Củ Ruộng nếp cẩm ở Tả Phìn
PGS.TS.Nguyễn Thị Ngọc Huệ sưu tầm và biên soạn

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.