Chọn tạo giống cây trồng cùng tham gia (participatory plant breeding -PPB) cho bảo tồn tại chỗ on farm

Tại sao cần có PPB trong bảo tồn trên đồng đất của người nông dân (on farm conservation)

Bảo tồn tại chỗ – on farm là quá trình tạo ra sự đa dạng, thường trải qua 4 bước khác biệt: (i) dòng gen từ nguồn hoang dại được thuần hóa thành cây trồng hoặc dòng luân chuyển hạt/ cây giống thông qua trao đổi hạt/ cây giống; (ii) Sự chọn lọc giống của con người; (iii) Sự chọn lọc tự nhiên các giống thích nghi với điều kiện của địa phương; (iv)  các phương thức bảo quản hạt giống cho việc đánh giá sau thu hoạch và chọn lựa hạt giống dự kiến trồng vụ sau. Hệ thống cung cấp hạt giống truyền thống là một nguồn quan trọng của sự đa dạng bởi vì hầu hết các nông hộ đều kiếm /có được các giống mới chủ yếu từ nguồn hạt giống không chính thức (hệ thống giống nông hộ) trong cộng đồng của họ. Bảo tồn on farm chỉ bền vững khi có sự cộng tác bền vững giữa khu vực sản xuất giống nhà nước và sản xuất giống nông hộ.

Sự ổn định về năng suất là mục tiêu quan trọng đối với người nông dân và cũng là chỉ số của sự phát triển nông nghiệp bền vững, trong khi sự ổn định về năng suất lại liên quan đến đa dạng di truyền – một nhân tố như là vật đệm để chống lại các áp lực phi sinh học trong sản xuất. Chọn tạo giống cây trồng cùng tham gia (PPB) sẽ tạo ra sự đa dạng mới và cung cấp một cơ hội chuyển giao kỹ năng và kiến thức về chọn tạo giống mới  để tăng cường bảo tồn on farm.

Ở châu Á, phương pháp PPB đã được áp dụng rất thành công tại Nepal, đất nước đi đầu về bảo tồn  tại chỗ on farm một số loài cây trồng như lúa, khoai môn sọ, đậu co ve, dưa… Nhiều giống lúa, khoai môn là thành quả của PPB giữa nông dân và nhà khoa học đã được nhà nước công nhận giống quốc gia mới và bán với giá cao hơn nhiều so với giống cũ tại các cộng đồng trong gần 15 năm qua. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có điển hình nào về PPB được tổng kết, công bố.

Chọn tạo giống cây trồng cùng tham gia -PPB là như thế nào?

PPB là phương pháp chọn tạo giống cây trồng cùng tham gia (PPB) tại cộng đồng, trong đó các ý kiến và quan điểm của người nông dân được sử dụng làm nền tảng. Trong quá trình thực hiện PPB, người nông dân và nhà chọn tạo giống hợp tác với nhau sử dụng các giống truyền thống, giống địa phương để lai tạo với giống hiện đại, chọn lọc ra giống mới từ các vật liệu phân ly trong môi trường mục tiêu. Những giống tốt tạo ra bởi PPB có thể mở rộng nhanh do sự phát tán giống từ nông dân này tới nông dân khác trong cộng đồng. Vai trò của người nông dân và nhà chọn tạo giống trong quá trình thực hiện PPB được mô tả ở bảng 1.

Mục đích của PPB

– Thúc đẩy sự tiếp cận vật liệu di truyền và thông tin của đa dạng cây trồng địa phương

– Người nông dân có cơ hội thực hành tại chỗ các phương pháp chuẩn về chọn tạo giống dưới sự trợ giúp kỹ thuật của các nhà khoa học ngay trong điều kiện môi trường sản xuất cụ thể của họ.

– Thúc đẩy sự trao đổi và chuyển giao kỹ năng và kiến thức giữa người nông dân và nhà khoa học để đặt ra mục tiêu chọn tạo, tiến hành chọn vật liệu, lai hữa tính, đánh giá và thử nghiệm các dòng giống cây trồng mới và phân phối những giống phù hợp theo tiểu vùng sinh thái cho nông dân trong vùng.

– Tăng cường năng lực của nông hộ và lãnh đạo địa phương trong hệ thống giống nông hộ sẽ thúc đẩy bảo tồn on farm, như vậy sẽ cải thiện được sinh kế của cộng động dựa vào đa dạng sinh học

Kết quả dự kiến

1. Những người nông dân tham gia PPB nhận thức được tại sao phải sử dụng đa dạng giống trong sản xuất và được hưởng lợi với việc tiếp cận ngay từ đầu với nguồn vật liệu đến khi ra giống mới, được cộng đồng công nhận và nắm bắt được kỹ thuật chọn lọc giống từ nhà khoa học.

2. Cộng đồng có cơ hội lựa chọn được nhiều dòng/ giống mới có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện bất thuận của địa phương

3. Nâng cao năng suất và sản lượng của một số loại cây trồng chính đảm bảo an ninh và an toàn lương thực thực phẩm ở qui mô cộng đồng

4. Đa dạng di truyền cây trồng tại địa phương được tăng cường

5. Các giải pháp về lợi ích kinh tế, sinh thái, kinh tế xã hội sẽ được phát triển từ việc cải thiện đa dạng sinh học nông nghiệp tại cộng đồng nhờ PPB

6. Năng lực của cộng đồng địa phương được tăng cường để tiến tới có thể quản lý và chia sẻ lợi ích từ tài nguyên sinh học địa phương, là cơ sở để bảo tồn tại chỗ on farn cây trồng bền vững

 Bảng 1. Vai trò của người nông dân và nhà chọn  tạo giống trong quá trình PPB

TT Các bước cơ bản Bản chất của sự tham gia Người nông dân Nhà chọn tạo giống
1 Đặt mục tiêu chọn tạo Tư vấn -Đưa ra các lựa chọn và xem xét cân nhắc Xác định những nông dân có năng lực thông qua việc phân tích mạng lưới nông dân
2 Tạo ra sự đa dạng mới (biến dị) Hợp tác Vai trò chủ chốt xác định mục tiêu chọn tạo, vật liệu khởi đầu, tạo biến dị
3 Chọn lọc Hợp tác -Lựa chọn điểm có áp lực phi sinh học để chọn lọc

-Loại bỏ các quần thể lớn không phù hợp

-Chọn lọc trong và giữa các quần thể

– Chọn lọc sau thu hoạch

– Trao đổi về sự lựa chọn đa tính trạng và năng suất

-Đánh giá các nguồn gen

 

-Đánh giá tính chống chịu với điều kiện bất thuận

– Chọn lọc các thế hệ ban đầu

– Đào tạo về sự di truyền tính trạng

 

4 Tạo ra giống mới và phân phối Hợp tác hoặc giáo dục, đào tạo Hệ thống cung cấp giống nông hộ Giám sát việc mở rộng phát triển giống mới

Chuẩn bị hồ sơ công nhận giống

 

Tài liệu tham khảo                                                                          

1. GTZ, (2003). “Conservation and sustainable use of agricultural biodiversity”. Vol.3. Strengthening local management of Agricultural biodiversity. A Sourcebook.

2. IPGRI, (2000). A training guide for in situ conservation on farm. IPGRI, Rome, Italia

3. Sthapit, BR, Joshi KD, Rana RB & Subedi A (1998),  “Spread of  varieties from PPB in the high altitude villages of Nepal”. LI-BIRD Technical report Series 1997.

4. Sthapit, BR, Sajise, Percy and Jarvis, D. (1999).  The process of effective implementation of in situ conservation of agro-biodiversity on-farm: Experiences from Nepal and Vietnam. Paper presented at the National Workshop of In situ conservation of agro-biodiversity in Nepal, from 23-25 April 2001, Lumle Nepal.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ biên soạn

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.