Tài nguyên di truyền thực vật Việt Nam, thành tựu và định hướng phát triển

       I. Đặt vấn đề
Việt Nam là một trong những trung tâm có sự đa dạng sinh học cao trên thế giới, trong đó ngân hàng gen cây trồng hay Trung tâm Tài nguyên thực vật được đánh giá là hạt nhân vì là nơi tập chung với mật độ cao các nguồn tài nguyên cây trồng. Việc tồn tại và phát triển của các ngân hàng gen cây trồng được coi là chiến lược ưu tiên cho hiện tại và tương lai của nước ta. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận thức được điều đó và có những bước tiên phong trong việc phát triển các trung tâm đa dạng tài nguyên thực vật trên nền tảng là xây dựng các Ngân hàng gen cây trồng bằng việc đi thu thập nguồn gen thực vật ở khắp thế giới và lưu giữ ở nước mình điển hình như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ …. Ngoài ra các Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc tế chuyên cây như VIR, IRRI, CIMMYT, ICRISAT, IITA, CIAT, CIP…. đã tiến hàng thu thập và bảo quản một số tập đoàn quỹ gen cây trồng mang tính toàn cầu.
Hơn thế nữa nhiều cuộc gặp thượng đỉnh trên thế giới đã khẳng định sự tồn tại và phát triển của một quốc gia dựa trên nền tảng tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) là một trong những yếu tố không thể thay thế bởi nó chứa đựng những giá trị không thể thay thế. Trên thực tế giá trị đó đánh giá dựa trên vị trí và vai trò của TNDTTV trong các khía cạnh kinh tế xã hội khác nhau.
Vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia bởi tài nguyên thực vật là nền tảng, khởi nguồn cho qúa trình sản xuất lương thực nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của đất nước, đặc biệt trước những biến động về kinh tế chính trị phức tạp trên toàn cầu hiện nay,
Bảo vệ môi trường trước những diễn biến khí hậu phức tạp hiện nay gây ra hiện tượng nóng lên của trái đất làm gây ra hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn xuất hiện ở khắp nơi. Để giảm thiểu và phục hồi hiện tượng trên thì tài nguyên thực vật bản địa có tiềm năng và khả năng thích ứng cao sẽ là phao cứu sinh cho vùng môi trường tổn thương,
Gìn giữ những giá trị văn hóa được đúc kết qua quá trình sử dụng nguồn gen cây trồng địa phương và cây trồng bản địa gắn liền với nhiều nét văn hoá truyền thống, với những kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam,
Yếu tố cơ bản cho phát triến kinh tế nông nghiệp nông thôn bởi vai trò là vật liệu khởi đầu cung cấp cho nhiều ngành khoa học thực hiện các nghiên cứu cần thiết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nông thôn như sinh học, nông học, y dược…, đặc biệt là cho các chương trình công nghệ sinh học.
Hiện nay, TNDTTV được coi là tài sản quốc gia và nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng hợp lý chúng là rất cấp thiết và ưu tiên hàng đầu. Tài sản này bao gồm toàn bộ những loài và giống cây trồng, các loài hoang dại có quan hệ di truyền gần gũi với cây trồng, và những dạng TNDTTV khác có giá trị hoặc tiềm năng giá trị sử dụng vì mục tiêu lương thực và nông nghiệp. Chúng được bảo tồn dưới hai dạng chính là ngoại vi (ex-situ) trong hệ thống mạng lưới bảo tồn TNDTTV trong đó Trung tâm Tài nguyên thực vật (TNTV) là cơ quan đầu mối với Ngân hàng gen cây trồng là hạt nhân … và nội vi (in-situ) tại nơi nó sinh trưởng và phát triển hoặc thông qua sử dụng trên đồng ruộng của nông dân (on-farm).
       II. Đa dạng tài nguyên thực vật Việt Nam
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và xen lẫn một số đặc điểm của khí hậu ôn đới do điều kiện địa hình cao với hai phần ba diện tích là đồi núi. Phía đông giáp biển (khoảng hơn 3000 km bờ biển) và có hai vùng đồng bằng rộng lớn. Chính sự phức tạp về điều kiện địa hình và địa lý đã tạo cho nước ta có sự đa dạng về các tiểu vùng sinh thái và khí hậu. Đồng thời nước ta là nước có nền văn minh nông nghiệp lâu đời cùng với sự tồn tại song song nhiều phương thức canh tác truyền thống của hơn 60 dân tộc khác nhau. Chính điều này đã tạo cho nước ta có sự giàu có về số lượng các loài và giống cây trồng vào loại bậc nhất thế giới, là một trong những trung tâm khởi nguyên và nằm trong mười hai trung tâm phái sinh cây trồng trên thế giới.
Hiện nay, chúng ta đang khai thác và sử dụng hơn 800 loài cây trồng, ở các nhóm chủ yếu trong đó:

 Cây lương thực và cây lương thực không phải là tinh bột 136 loài   Cây trồng để sản xuất đồ uống 12 loài     
 Cây ăn quả  100 loài  Cây trồng lấy sợi  16 loài
 Cây rau và rau gia vị  94 loài  Cây cảnh  50 loài
 Cây lấy dầu  44 loài  Cây lấy gỗ  49 loài

Đặc biệt trong số trên 2000 cây thuốc có120 loài được người dân lưu giữ sử dụng làm thuốc trong các bài thuốc truyền thống và hơn 1300 loài hoang dại có giá trị nông nghiệp và lương thực.

III. Một số kết quả chính trong công tác bảo tồn TNDTTV trong hệ thống mạng lưới bảo tồn TNDTTV Việt Nam
Bảo tồn ex-situ
Từ năm 1996, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống mạng lưới bảo tồn TNDTTV bao gồm 22 cơ quan thành viên trong đó Trung tâm TNTV (tiền thân là Trung tâm TNDTTV) làm cơ quan đầu mối điều phối chung toàn hệ thống và vận hành Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia. 21 cơ quan thành viên khác là các đơn vị chuyên môn nằm trải dài trên khắp đất nước và phụ trách bảo tồn một số loài cây như cây ăn quả, cây công nghiệp và cây sinh sản vô tính được thu thập từ các vùng sinh thái lân cận. Sau gần 20 năm hoạt động bảo tồn ex-situ đạt được kết quả sau:
Tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia các mẫu nguồn gen được lưu giữ dưới 3 hình thức là trong kho lạnh (Ngân hàng gen hạt, seed genebank) có 18518 nguồn gen của 83 loài cây có hạt (orthodox), trên đồng ruộng (Ngân hàng gen đồng ruộng, field genebank) có 2262 nguồn gen của 32 loài cây sinh sản vô tính và trong Ngân hàng gen in-vitro là tập đoàn khoai môn-sọ (150 nguồn gen) mà khó có thể bảo tồn được trên đồng ruộng; và Vườn tiêu bản quỹ gen cây ăn quả 100 nguồn gen.
Tại các cơ quan thành viên của hệ thống, có khoảng 7527 nguồn gen của 250 loài cây trồng đang lưu giữ dưới hình thức vườn tiêu bản hoặc vườn thực vật.
Bảo tồn In-situ
– Đã tiến hành xây dựng cơ sở khoa học cho việc bảo tồn in-situ đa dạng sinh học nông nghiệp trên đồng ruộng và trong vườn gia đình,
– Bước đàu xây dựng được các điểm bảo tồn on-farm cây trồng trên đồng ruộng và trong vườn gia đình ở ba vùng sinh thái miền Bắc Việt Nam một số nguồn gen địa phương như cây có múi, nhãn, vải, xoài, rau, cây gia vị, cây có củ, cây thuốc, cây cảnh.
– Điều tra và kiểm kê đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn thiên nhiên gồm 28 vườn quốc gia với (957.330 ha), 18 khu bảo tồn thiên nhiên (1.283.209 ha), 11 loài ở các vùng bảo vệ và quản lý khi di sản thế giới (85.849 ha) và 39 khu bảo tồn cảnh quan (215.287 ha)
Điều tra và thu thập nguồn gen
Hàng năm Trung tâm TNTV tiến hành điều tra thu thập hơn 500 nguồn gen thông qua các chương trình và dự án khác nhau. Điển hình từ năm 2006, khoảng 3500 nguồn gen thu thập từ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, đồng thời kết hợp nghiên cứu đa dạng sinh học cây Xoài, khoai sọ và tài nguyên thực vật trong vườn gia đình và đánh giá sự xói mòn nguồn gen.
Mô tả đánh giá nguồn gen
– Đã mô tả được đặc điểm hình thài nông sinh học của hơn 50% số nguồn gen đang bảo tồn ex-situ,
– Đã đánh giá khả năng kháng một số loài sâu hại trên đồng ruộng một số nguồn gen, khả năng thích ứng, chống lại các điều kiện thời tiết bất thuận của một só nguồn gen khoai sọ, lúa và khoai lang,
– Đã đánh giá chất lượng nông sản nguồn gen một số nguồn gen rau bản địa và lúa.

Tư liệu hóa và thông tin
– Thiết lập cơ sở dữ liệu và thiết lập được cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia về tài nguyên di truyền thực vật cho mục tiêu nông lương (được thiết lập dựa trên khuôn khổ dự án GCPRAS186JPN với FAO (2005 -2007),
– Phát triểnWebsite về tài nguyên di truyền thực vật quốc gia https://www.pgrvietnam.org.vn,
– Cấp phát sử dụng: hàng năm cấp phát cho người sử dung hơn 1000 lượt nguồn gen,- Hỗ trợ nông dân phục hồi và nhân giống cây trồng địa phương đặc sản,
– Giới thiệu ra sản xuất một số giống cây trồng triển vọng như lúa, khoai sọ, bưởi, quýt, cam, nhãn, xoài, khoai lang và rau,
– Nâng cao năng lực cho nông và cán bộ địa phương khoảng 600 lượt mỗi năm và cho các nhà khoa học thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo ngắn hạn …
  Hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng nguồn gen
Tham gia các chương trình quốc tế và thỏa thuận về bảo tồn TNTV như Công ước đa dạng sinh học (CBD) năm 1994; UPOV, GAAT và TRIPS năm 2006; Hiệp ước về thay đổi khí hậu (Climate Change) năm 1994; Convention to Combat Desertification năm 1994; Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) năm 1997; Hiệp ước về tầm quan trọng của các vừng ngập nước (Ramsar convention on the Important Submerged Areas) năm 1988; CITES năm 1994; Hiệp ước về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Convention on the World’s Cultural and Natural Heritage) năm 1982; Nghi định thư Cartagena về an toàn sinh học (Cartagena Protocol on the Biosafty) năm 2004.
Hợp tác khu vực và vùng lãnh thổ
Bảo tồn và sử dụng đa dạng tài nguên cây ăn quả châu Á cây xoài, vải và cây có múi
Dự án RETA 6067 về cây rau bản địa với Viện nghiên cứu và phát triển rau mầu châu Á
(AVRDC)
– Dự án GCP/RAS/186/JPN về thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia phục vụ mục tiêu nông lương (NISM-PGRFA) với FAO.

4. Kế hoạch ưu tiên phát triển trong thời gian tới
     – Thu thập nguồn gen ở các vùng có nguy cơ xói mòn cao như các hải đảo, vùng duyên hải, vùng hẻo lánh, vùng đặc khu phát triển kinh tế và khu vực phát triển thủy điện …
– Phát triển và trang bị thiết bị bảo quản hạt giống dài hạn và bảo tồn in vitro nguồn gen khó bảo quản,
– Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn gốc, đặc điểm nông sinh học nguồn gen các tập đoàn ex situ
– Đánh giá chi tiết nguồn gen nhằm phát hiện các đặc tính nguồn gen có giá trị, thích ứng với điều kiện bất thuận của thời tiết
– Tăng cường bảo tồn thông qua sử dụng cây trồng được đánh giá là có tiềm năng sản xuất như cây ăn quả, rau, lúa, đậu đỗ, khoai sọ và từ vạc
– Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp đặc biệt các hệ sinh thái vườn gia đình truyền thống và hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ bào tồn in-situ nguồn gen
– Nâng cao năng lực về quản lý, đánh giá, nghiên cứu đa dạng di truyền, thông tin và tư liệu hóa nguồn gen
– Xã hội hóa công tác bảo tồn nguồn gen thông qua hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt là công tác giáo dục học sinh, sinh viên từ trong nhà trường,
– Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển các hệ thống hạt giống không chính thống nhằm khai thác tối đa giá trị cây trồng bản địa và cây trồng ít được quan tâm sử dụng …
– Xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin trong nước và quốc tế
5. Kết luận
     – TNDTTV là tài sản quốc gia và nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng hợp lý chúng là rất cấp thiết và ưu tiên hàng đầu
– TNTV có vai trò quan trọng và chiến lược đối với Việt Nam cụ thể là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường trước những diễn biến khí hậu phức tạp hiện nay, gìn giữ những giá trị văn hóa được đúc kết trong nguồn gen cây trồng địa phương và cây trồng bản địa, yếu tố cơ bản cho phát triến kinh tế nông nghiệp nông thôn,
– Sau gần 20 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm TNTV đang lưu giữ thành công 18518 nguồn gen của 83 loài cây có hạt (orthodox), trên đồng ruộng (ngân hàng gen đồng ruộng, field genebank) có 2262 nguồn gen của 32 loài cây sinh sản vô tính và trong ngân hàng gen in-vitro là tập đoàn khoai môn-sọ mà không thể bảo tồn được trên đồng ruộng.
– Điều phối hoạt động bảo tồn TNDTTV tại 19 cơ quan thành viên của hệ thống, có khoảng 7527 nguồn gen của 250 loài cây trồng đang lưu giữ dưới hình thức vườn tiêu bản hoặc vườn thực vật.
– Giữ vững quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo tồn TNDTTV với các quốc gia và khu vực,
– Phát triển mạnh mẽ các kế hoạch phát triển bảo tồn TNDTTV dựa trên các kế hoach mục tiêu.

Xem báo cáo chi tiết tại đây

TS. Lã Tuấn Nghĩa & cs
XEM THÊM

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.