Cơ hội, thách thức và giải pháp bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam

Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam được nhà nước giao chức năng bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững của đất nước. Để hoàn thành chức năng này, Trung tâm đã và đang kết hợp cùng 19 đơn vị của Mạng lưới TNDTTV quốc gia thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thu thập, lưu giữ và thúc đẩy khai thác, sử dụng nguồn gen cây trồng trên phạm vi toàn quốc. Dự án “Tăng cường hoạt động của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển tài nguyên di truyền thực vật vườn gia đình ở nông thôn miền Bắc Việt Nam” do Trung tâm thực hiện, từ tháng 7/2006 đến tháng 9/2008 với sự tài trợ của Quỹ Ford, là nhằm thúc đẩy bảo tồn và khai thác, sử dụng hiệu quả đa dạng nguồn gen cây trồng vườn gia đình ở miền Bắc nước ta. Trong khuôn khổ của Dự án, hội thảo “Bảo tồn đa dạng TNDTTV vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam” đã được tổ chức tại huyện Hải Hậu, Nam Định ngày 18 – 19/9/2008.
Trong hai ngày hội thảo, các báo cáo và thảo luận tập trung vào ba nhóm vấn đề chính, bao gồm: (1) những vấn đề về chính sách, (2) những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, và (3) các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Dự án. Thông qua việc phân tích ba vấn đề chủ yếu này, Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức và tận dụng các cơ hội, thuận lợi để bảo tồn hiệu quả TNDTTV vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Dưới đây là tóm tắt kết quả thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo.
1. Những cơ hội thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển TNDTTV vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam
    1) Vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam sẵn có đa dạng TNDTTV, cả ở mức loài và dưới loài;
    2) Cộng đồng nông dân giàu kinh nghiệm làm vườn và lưu giữ cây trong vườn;
    3) Cây trồng trong vườn thường có đa giá trị sử dụng, nhiều cây cho sản phẩm sạch, chất lượng tốt, năng suất cao;
    4) Nhu cầu thị trường lớn và ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm cây trồng từ vườn, nhất là những sản phẩm chất lượng và đặc sản, có thể phát triển ngành hàng và đăng ký tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý;
    5) Kết quả khích lệ và những bài học kinh nghiệm của Dự án, và từ việc phát triển kinh tế vườn gia đình ở một số địa phương;
    6) Nhà nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến đa dạng sinh học, chuẩn bị ban hành Luật Đa dạng sinh học;
    7) Một số tổ chức, các hội và đoàn thể có năng lực và vai trò thúc đẩy bảo tồn đa dạng cây trồng vườn gia đình, như Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Hội phụ nữ.2. Những khó khăn, thách thức chủ yếu đối với việc bảo tồn đa dạng TNDTTV vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam
    1) Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy bảo tồn nội vi TNDTTV;
    2) Nhận thức và năng lực xã hội về TNDTTV còn thấp, sự tham gia còn hạn chế;
    3) Thiếu những định hướng, chiến lược cũng như phương pháp bảo tồn nội vi TNDTTV nói chung, TNDTTV vườn gia đình nói riêng;
    4) Thiếu cán bộ có năng lực;
    5) Nhiều cây trồng truyền thống, giống địa phương cho thu nhập kinh tế thấp, khó thu hút được nông dân đầu tư bảo tồn và phát triển;
    6) Chưa có kinh phí đầu tư cho bảo tồn TNDTTV vườn gia đình.
Ngoài những khó khăn trên, mỗi vùng, miền còn có những thách thức và khó khăn riêng.
Đối với vùng đồng bằng, những khó khăn chính bao gồm:
    1) Quá trình đô thị hóa, phát triển dân số và chuyển dịch đất nông nghiệp làm cho diện tích nhiều vườn gia đình bị thu hẹp;
    2) Việc phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa, thiếu định hướng và qui hoạch bền vững ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng cây trồng vườn gia đình.
Đối với các vùng trung du và miền núi:
    1) Diện tích vườn rộng nhưng thiếu đầu tư, về cả vật tư và công lao động;
    2) Trình độ dân trí còn hạn chế;
    3) Chưa có điều kiện tiếp cận thông tin và tiến bộ kỹ thuật.

3. Đề xuất giải pháp để bảo tồn hiệu quả TNDTTV vườn gia đình
3.1. Giải pháp về tổ chức thực hiện
    1) Xác định các ưu tiên và xây dựng chiến lược bảo tồn TNDTTV vườn gia đình thông qua việc đánh giá đa dạng và nguy cơ xói mòn quỹ gen cây trồng vườn gia đình ở miền Bắc Việt Nam;
    2) Xây dựng hệ thống mạng lưới vườn cộng đồng bảo tồn thông qua sử dụng đa dạng TNDTTV, thành lập các nhóm sở thích;
    3) Xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế vườn của từng địa phương, xác định tiêu chí làng quê xanh, sạch, trong lành và yên bình;
    4) Lựa chọn các vùng điển hình để xây dựng và phát triển thành các miền quê du lịch sinh thái bảo tồn đa dạng cây trồng vườn gia đình, kết hợp ẩm thực các đặc sản từ vườn.
3.2. Giải pháp về kỹ thuật
Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và tăng cường thực hiện tất cả các nhóm hoạt động, bao gồm:
    1) Truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng:
        – Sản xuất và phổ biến các tài liệu truyền thông;
        – Tập huấn cho nông dân và cán bộ địa phương;
        – Tổ chức các buổi tọa đàm, tham quan, chia sẻ kinh nghiệm;
    2) Phục tráng và phát triển các cây bản địa giá trị:
        – Xác định, đăng ký bảo hộ cây đầu dòng, cây tổ;
        – Tạo cây giống gốc sạch bệnh;
        – Sản xuất giống và cung cấp cây giống ban đầu cho nông dân;
        – Cải tiến và phổ biến kỹ thuật nhân, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm;
    3) Phục hồi, lưu giữ những cây trồng bị lãng quên:
        – Quảng bá về giá trị sử dụng;
        – Cải tiến và phổ biến kỹ thuật nhân, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm;
    4) Xây dựng các mô hình vườn bảo tồn thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau;
    5) Phát triển và quản lý mạng lưới vườn cộng đồng;
    6) Áp dụng các biện pháp quản lý vườn cây tổng hợp, kết hợp sử dụng kiến thức bản địa và kỹ thuật cải tiến.
3.3. Giải pháp về chính sách
    1) Hỗ trợ hệ thống sản xuất giống cộng đồng, kiểm soát và nâng cao chất lượng hạt giống;
    2) Thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh nhiều loại giống cây trồng, bao gồm cả những cây ít phổ biến và đang bị lãng quên;
    3) Đảm bảo quyền lợi của nông dân, và chia sẻ công bằng lợi ích thu được từ việc sử dụng TNDTTV;
    4) Bảo hộ các giống địa phương, cây bản địa (đăng ký tên gọi xuất xứ hoặc chỉ dẫn địa lý)
    5) Khuyến khích tiêu thụ và phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa từ vườn, sản phẩm cây trồng đa dạng về kiểu hình, kiểu gen;
    6) Khuyến khích sự tham gia của đông đảo các ngành, chính quyền các cấp, cộng đồng, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức, đoàn thể, xã hội.
3.4. Giải pháp về nguồn lực
    1) Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn nội vi TNDTTV của Trung tâm Tài nguyên thực vật;
    2) Đào tạo mạng lưới cán bộ tham gia xây dựng và quản lý hệ thống vườn bảo tồn cộng đồng, bao gồm cán bộ từ các cơ quan của Hệ thống TNDTTV quốc gia, Viện Dược liệu, các đơn vị khuyến nông địa phương, cơ quan, đoàn thể các cấp, và những nông dân chủ chốt;
    3) Thu hút sự đầu tư từ các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cả trong và ngoài nước;
    4) Đề nghị Chính phủ Việt Nam cấp ngân sách để bảo tồn đa dạng TNDTTV vườn gia đình.

4. Những hoạt động cần được thực hiện trong thời gian tới
    1) Tiếp tục các hoạt động theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ về các kỹ thuật cần thiết để duy trì các điểm bảo tồn TNDTTV vườn gia đình do Dự án thiết lập; cần quan tâm bảo tồn cả những cây thuốc trồng trong vườn, nhất là ở điểm Kỳ Sơn, Hoà Bình;
    2) Mở rộng các mô hình tới một số địa phương khác của đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc; cần quan tâm bảo tồn và phát triển cả những cây thuốc trồng trong vườn gia đình;
    3) Điều tra, đánh giá tổng thể đa dạng TNDTTV vườn gia đình ở Việt Nam, xác định các ưu tiên và xây dựng chiến lược, kế hoạch bảo tồn TNDTTV vườn gia đình;
    4) Tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn nội vi TNDTTV (bao gồm TNDTTV vườn gia đình) cho các cán bộ của Trung tâm TNTV, Viện Dược liệu, Hội làm vườn, các tổ chức liên quan, cán bộ địa phương;
    5) Bảo tồn thông qua phục tráng, phát triển sản xuất và khai thác, sử dụng một số cây trồng bản địa giá trị trong vườn gia đình, bao gồm các giống cam, quýt, bưởi hồng, na và rau bản địa (như quýt cam Mật của Hải Đường, Quýt Bắc Sơn và Hồng Nhân Hậu của Lạng Sơn, một số giống bưởi đặc sản vùng lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ v.v.)

Phạm Thị Sến, Lưu Ngọc Trình, Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Song Hà

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.