Nghiên cứu xác định chỉ thị liên kết với tính chịu hạn ở cây chè sử dụng công nghệ BSA

Đối với cây chè việc sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời nên chịu tác động rất lớn của điều kiện ngoại cảnh, trong đó hạn hán là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất của chè. Do đó, việc chọn tạo các giống chè có tiềm năng về năng suất, chất lượng và có khả năng chịu hạn để phục vụ cho sản xuất ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Hiện nay, việc chọn tạo giống chè có khả năng chịu hạn chủ yếu vẫn được tiến hành theo phương pháp truyền thống nên cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền của mà hiệu quả lại không cao; việc ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử vào công tác chọn tạo giống vẫn còn rất hạn chế do chưa có nhiều chỉ thị được xác định liên kết chặt với tính (gen) chịu hạn ở cây chè. Do đó, xác định chỉ thị liên kết với tính chịu hạn ở cây chè là việc làm rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thông thường để tìm chỉ thị liên kết với gen, chúng ta phải tiến hành lập bản đồ gen với nhiều bước khác nhau rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Để khắc phục những trở ngại nói trên, trong thời gian gần đây công nghệ BSA (bulk segregant analysis) đã được phát triển giúp xác định nhanh chỉ thị liên kết với gen. Hướng nghiên cứu này đã được áp dụng và tỏ ra rất hiệu quả trong việc xác định chỉ thị liên kết với các gen chịu mặn, hạn; chống chịu sâu, bệnh.v.v.

Từ những lý do nêu trên, chúng tôi đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu xác định chỉ thị liên kết với tính chịu hạn ở cây chè sử dụng công nghệ BSA”.

Vật liệu nghiên cứu là các mẫu giống chè Trung du, Hồ Nam Nam (giống bố mẹ), các cá thể con lai F2được cung cấp bởi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Đánh giá khả năng chịu hạn của 120 cá thể F2, chúng tôi xác định được nhóm chịu hạn, gọi là nhóm AR và nhóm không chịu hạn, gọi là nhóm BS. Trong đó, nhóm AR bao gồm 83 cá thể; nhóm BS bao gồm 37 cá thể.

– Sử dụng công nghệ BSA trong nghiên cứu này đã xác định được 6 chỉ thị phân tử đó là: CamsinM1, CamsinM2, CamsinM4, CamsinM5, CamsinM8 và Casmsin13 liên kết với tính (gen) chịu hạn ở cây chè.

– Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng chỉ thị CamsinM1 liên kết với tính chịu hạn trong việc phân tích và xác định kiểu gen ở các cá thể con lai giữa giống Trung du và Hồ Nam, chúng tôi đã lựa chọn được 100 cá thể con lai có kiểu gen chịu hạn; các cá thể này sẽ được phát triển phục vụ công tác đánh giá, tuyển chọn ra những dòng chè có triển vọng về năng suất, chất lượng và khả năng chịu hạn tốt giới thiệu cho sản xuất.

Xem chi tiết tại đây

Lã Tuấn Nghĩa & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.