Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Tài nguyên thực vật
Trung tâm Tài nguyên thực vật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập tại Quyết định số 3408/QĐ-BNN-TCCB ngày 05 tháng 12 năm 2005.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Tài nguyên thực vật tại Quyết định số 23/2006/QĐ-BNN ngày 03 tháng 4 năm 2006
Vị trí chức năng
1. Trung tâm Tài nguyên thực vật được thành lập theo điểm ‘‘k’’ khoản ‘‘1’’, Điều 2 của Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật được thành lập năm 1996.
2. Trung tâm Tài nguyên thực vật là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập, bảo tồn và khai thác sử dụng tài nguyên thực vật Quốc gia.
3. Trung tâm được nhà nước đầu tư và cấp kinh phí hoạt động, được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Tên giao dịch quốc tế tiếng Anh của Trung tâm là: Plant Resources Center, viết tắt là PRC
5. Trụ sở của Trung tâm tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Nhiệm vụ của Trung tâm
1. Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về bảo tồn tài nguyên thực vật dài hạn, năm năm và hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Thực hiện nghiên cứu khoa học (có bao gồm nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có định hướng) và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực:
a) Duy trì và phát triển ngân hàng gen thực vật Quốc gia bao gồm: Thu thập và lưu giữ nguồn gen tại ngân hàng gen: Hạt giống, đồng ruộng, invitro và ADN; đánh giá, tư liệu hóa; thông tin, cấp phát nguồn gen để nghiên cứu khoa học, mở rộng sản xuất và phục vụ chọn tạo giống;
b) Xây dựng giải pháp bảo tồn và khai thác sử dụng tài nguyên thực vật gồm: Đa dạng di truyền, công nghệ sinh học; sinh lý và kỹ thuật hạt giống; làm giàu quỹ gen; ứng dụng tin học vào quản lý dữ liệu và thông tin tài nguyên thực vật;
c) Bảo tồn thông qua sử dụng tài nguyên thực vật, phát triển và duy trì các điểm bảo tồn insitu nguồn gen cây trồng
d) Đa dạng sinh học nông nghiệp, động thái biến động đa dạng thực vật
đ) Điều phối hoạt động màng lưới bảo tồn quỹ gen cây trồng.
3. Thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên thực vật theo quy định của Nhà nước.
4. Liên kết, hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực được giao với các tổ chức trong nước theo quy định của pháp luật
5. Quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, kinh phí, tài sản được giao theo đúng quy định của pháp luật.