Kết quả nghiên cứu tuyển chọn một số giống sen lấy hạt triển vọng phục vụ sản xuất

   Có ba nhóm sen khác nhau đã được phân nhóm gồm sen lấy hoa, sen lấy hạt và sen lấy củ dựa vào các đặc điểm đặc trưng và mục đích sử dụng chính của giống. Ở Việt Nam, cây sen chỉ có một loài là N. Nucifera, chủ yếu là các giống sen lấy hạt, được phân bố rộng rãi khắp mọi nơi trong các ao, hồ, đầm lầy hay ruộng sâu. Lưu giữ và đánh giá tập đoàn sen gồm 42 mẫu giống tại Trung tâm Tài nguyên thực vật đã phân lập ra 33 mẫu giống sen lấy hạt, 7 mẫu giống sen lấy hoa và 2 mẫu giống sen lấy củ.

Kết quả đánh giá tập đoàn sen lấy hạt gồm 33 giống cho thấy rằng, các giống hạt sen có hoa cánh đơn, màu hồng, số lượng cánh ≤ 20. Chiều cao của hoa ngay trên lá, ngang bằng thậm chí thấp hơn chiều cao của lá. Cách sắp xếp hạt trên gương sen bình thường. Bề mặt trên của gương sen hầu hết nhô lên, hạt lộ một phần ra khỏi gương sen rất rõ ràng. Kích cỡ cây to (1,5-2m), điều này rất cần thiết để cây nhận được tối đa năng lượng mặt trời và quang hợp giúp cây tích lũy, vận chuyển dinh dưỡng phục vụ quá trình hình thành và phát triển của hạt.

Qua đánh giá tập đoàn sen lấy hạt, so sánh giống, ba giống sen lấy hạt triển vọng bao gồm sen Mặt Bằng (S2), sen Bát xanh (S12) và sen Cánh Hồng (S18) đã được tuyển chọn. Các giống sen triển vọng này có thời gian sinh trưởng 195-208 ngày, chiều cao cây 145-195 cm, năng suất hạt sen đạt 3,10-4,32 tấn/ha và chống chịu bệnh. Tỷ lệ vỏ hạt từ 26,1- 31,0%, tỷ lệ nhân 65,0-69,5%, tỷ lệ tâm sen 4,0-4,4% so với khối lượng của hạt. Chất lượng ăn tươi của hạt sen ngọt, chất lượng ăn luộc của hạt bở, thơm và ngon (điểm 7), có khả năng chống chịu sâu bệnh khá.

Xem báo cáo chi tiết tại đây

Hoàng Thị Nga & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.