Đánh giá đặc điểm nông sinh học nguồn gen Bưởi bốn mùa tại Chương Mỹ, Hà Nội
Cây ăn quả có múi (Citrus) là một trong những cây ăn quả được trồng rộng rãi nhất trên thế giới với tổng sản lượng đạt 85,6 triệu tấn niên vụ 2012/2013. Diện tích cây ăn quả có múi ở nước ta năm 2015 đạt 118.516,3 ha, chiếm khoảng 14,3% diện tích cây ăn quả cả nước với sản lượng hàng năm là 1,04 triệu tấn (Cục trồng trọt, Bộ NN và PTNT, 2016). Nước ta nằm ở trung tâm phát sinh của rất nhiều giống cây ăn quả có múi (Võ Văn Chi, 1997; Phạm Hoàng Hộ, 1992). Bưởi Bốn mùa là một giống bưởi mới được Trung tâm Tài nguyên phát hiện năm 2013 tại lưu vực sông Đáy. Giống bưởi này có nguồn gốc ở xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Do là cây trồng mới được phát hiện nên việc đánh giá đặc điểm nông sinh học là rất cần thiết nhằm có được bộ dữ liệu đầy đủ làm nguồn tư liệu cho các nghiên cứu tiếp theo như phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống và khai thác nguồn gen.
Đặc điểm Bưởi bốn mùa:
Bưởi Bốn mùa có bộ lá màu xanh đậm, mặt trên đậm hơn mặt dưới lá.
Hoa ra bốn mùa trong năm. Hoa bưởi Bốn mùa mọc thành chùm, chủ yếu ở đỉnh ngọn, hoa màu trắng kích thước lớn, mùi rất thơm, hoa có 4 cánh và 5 cánh. Số hoa trên một chùm không nhiều từ 2-6 hoa và hoa mọc thưa nhau.
Bưởi Bốn mùa có vị dôn dốt chua ở thời điểm chính vụ, có vị chua ở thu trái vụ. Thời gian mang quả dao động từ 185-210 ngày. Quả dạng trụ cầu, khối lượng trung bình dao động từ 1,7-2,0 kg. Khi thu hoạch vỏ quả màu vàng tươi. Chiều cao quả dao động từ 20-22 cm. Đường kính từ 16-18 cm. Số múi trên quả từ 16-18 múi. Tỷ lệ phần ăn được dao động từ 58-62 %. Đặc biệt bưởi Bốn mùa có hàm lượng tinh dầu khá cao đạt 6,87%.
Chi tiết: xem tại đây