Vai trò của phân đạm đối với sinh trưởng, phát triển và năng suất của rau cải ngồng lạng sơn
Cải ngồng Lạng Sơn có nguồn gốc từ tỉnh Lạng Sơn. Đây là tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp để sản xuất nhiều loại rau cải, trong đó phải kể đến nhóm rau cải ăn ngồng. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ ngồng cải đang ngày càng tăng, thị trường ngày càng mở rộng. Không chỉ ở Lạng Sơn, mà ở Hà Nội và nhiều nơi khác, ngồng cải cũng đã trở thành loại rau được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại một số giống cải ăn ngồng nguồn gốc từ Trung quốc được nhập và trồng khá phổ biến, đang có chiều hướng lấn át các giống địa phương. Giống cải ngồng Lạng Sơn, hay còn gọi cải bắp ăn ngồng, nguồn gốc địa phương, được nông dân lưu giữ và trồng từ rất lâu đời. Đây là loại rau cải vừa ăn bắp vừa ăn ngồng có phẩm chất ăn ngon, dễ chế biến, có thể ăn luộc, xào đều được. Sau khi thu hoạch bắp cải, gốc của giống cải này tiếp tục được chăm sóc và sẽ cho thu hoạch ngồng. Ngồng cải này ăn đậm và giòn hơn các giống rau cải làn và cải ngồng khác. Tuy vậy, do không được quan tâm bảo tồn và phát triển, giống cải này hiện bị lẫn tạp và thoái hoá, năng suất và chất lượng giảm sút. Các nghiên cứu về các đặc điểm nông sinh học cũng như các biện pháp kỹ thuật canh tác còn ít. Thêm vào đó từng hộ nông dân đã bón phân trên cây cải ngồng theo kinh nghiệm của họ. Vì vậy việc nghiên cứu ảnh hưởng của các mức phân bón khác nhau cho giống rau cải này là việc làm cần thiết nhằm tìm ra công thức tối ưu nhất nâng cao năng suất cũng như chất lượng của giống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Cải ngồng Lạng Sơn sinh trưởng, phát triển cho năng suất tốt hơn khi bón đạm. Mặc dầu ở mức bón 3 (140N) cho số lá, dài lá, rộng lá cao hơn, tăng trưởng nhanh hơn ở mức bón 2 (130N) nhưng ở mức bón 2 cho năng suất ngồng và bắp cao hơn lần lượt là 39,5 tấn/ha và 23,6 tấn/ha và có sự khác biệt rõ ràng với không bón và các mức bón còn lại.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
Lã Tuấn Nghĩa , Vũ Văn Tùng & cs